Nguyên tắc chung
CSDL quốc gia được xây dựng, khai thác và sử dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống thông tin CSDL quốc gia được quản lý, xây dựng, duy trì tập trung. Việc xây dựng, thu thập, cập nhật, quản lý, duy trì, khai thác, kết nối, chia sẻ, sử dụng các CSDL quốc gia phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và quân sự, quốc phòng.
Chính phủ là chủ sở hữu dữ liệu và thống nhất quản lý dữ liệu. Chính phủ phân công chủ quản CSDL quốc gia thực hiện quản lý, khai thác và sử dụng theo chức năng, nhiệm vụ; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về việc tổ chức, quản lý và sử dụng tài nguyên thông tin, CSDL quốc gia. Dữ liệu phát sinh từ hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc cơ quan cấp nào, thì cơ quan cấp đó chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu chính xác, kịp thời vào CSDL quốc gia.
Việc tuân thủ quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của CSDL quốc gia được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khâu thiết kế, xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng; bảo đảm thống nhất kết nối giữa CSDL quốc gia với các CSDL, hệ thống thông tin khác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành liên quan.
Phê duyệt, cập nhật, điều chỉnh Danh mục CSDL quốc gia
CSDL quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau: có mục tiêu phục vụ quản trị quốc gia, hoặc phục vụ giám sát, phân tích, nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển của quốc gia; có chứa dữ liệu chủ làm cơ sở tham chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa các CSDL, hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương. Có phạm vi khai thác và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, được kết nối, chia sẻ với bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước khác phục vụ quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp hoặc phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
CSDL quốc gia phải nằm trong Danh mục CSDL quốc gia. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị bổ sung, cập nhật, điều chỉnh Danh mục CSDL quốc gia, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp, đánh giá. Trường hợp đủ điều kiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cập nhật, điều chỉnh danh mục. Tài liệu thuyết minh về CSDL đề nghị bổ sung, cập nhật, điều chỉnh Danh mục CSDL quốc gia bao gồm các nội dung sau: tên CSDL quốc gia; mục tiêu xây dựng CSDL quốc gia; thông tin về dữ liệu chủ của CSDL quốc gia; phạm vi, quy mô dữ liệu trong CSDL quốc gia; đối tượng và mục đích khai thác, sử dụng CSDL quốc gia; nguồn thông tin sẽ xây dựng và cập nhật vào CSDL quốc gia; phương thức chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia; văn bản pháp lý có liên quan đã được ban hành và dự kiến xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn nội dung tài liệu thuyết minh về CSDL đề nghị bổ sung, cập nhật, điều chỉnh Danh mục CSDL quốc gia; thiết lập, phát triển, quản lý và vận hành hệ thống thông tin quản lý danh mục CSDL quốc gia; triển khai giải pháp thực hiện việc đăng ký, cập nhật, điều chỉnh Danh mục CSDL quốc gia trực tuyến, toàn trình.
Trường hợp đề nghị đưa cơ sở dữ liệu ra khỏi Danh mục CSDL quốc gia, chủ quản cơ sở dữ liệu có văn bản đề nghị kèm theo thuyết minh lý do CSDL không còn đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định này.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp trong phát triển dữ liệu và CSDL quốc gia, trình cấp có thẩm quyền cập nhật, điều chỉnh Danh mục CSDL quốc gia theo yêu cầu thực tiễn và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản trị số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Mối quan hệ giữa CSDL quốc gia với CSDL của bộ, ngành, địa phương
CSDL quốc gia và cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương tuân thủ Khung kiến trúc dữ liệu quy định bởi Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
CSDL của Bộ, ngành, địa phương được lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu chủ của CSDL quốc gia thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình theo quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm tính cập nhật, đồng bộ dữ liệu với CSDL quốc gia và yêu cầu an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Chủ quản CSDL của bộ, ngành, địa phương thu thập dữ liệu chủ của CSDL quốc gia phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau: dữ liệu chủ thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương đó và là nguồn dữ liệu của CSDL quốc gia; là cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật và điều chỉnh dữ liệu chủ.
Trường hợp CSDL quốc gia chưa được xây dựng, bộ, ngành, địa phương được thực hiện thu thập dữ liệu và đưa vào CSDL của bộ, ngành, địa phương, sẵn sàng phục vụ tích hợp vào CSDL quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan hướng dẫn, duy trì, cập nhật, tổ chức xây dựng và triển khai khung kiến trúc dữ liệu, làm cơ sở tham chiếu cho hoạt động xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng dữ liệu và CSDL trên phạm vi toàn quốc./.
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc