Sáng ngày 10/11/2011, tại hội trường UBND Thị xã, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai công tác xâm hại tình dục trẻ em và các văn bản có liên quan cho gần 250 đại biểu đại diện lãnh đạo Phòng PC45, Công an, Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, ngành lao động - thương binh và xã hội Tỉnh, huyện, thị xã và 44 xã, phường, thị trấn của 4 huyện, thị: Thị xã, Hòa Thành, Châu Thành và Dương Minh Châu.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Văn Quá – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai một số nội dung quan trọng trong Thông tư liên tịch số 86, ngày 06/10/2008 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 19 ngày 12/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010. Ngoài ra, ông Trần Văn Yên – Chi Cục trưởng, Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội cũng hướng dẫn một số kỹ năng về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em như: cách nhận diện các hình thức xâm hại tình dục trẻ em, các nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục, đối tượng xâm hại và thủ đoạn của chúng sử dụng để dụ dỗ trẻ em; những tình huống cần tránh; đồng thời hướng dẫn một số kỹ năng để tiếp cận và tư vấn hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại tình dục tái hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Quá – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hằng năm ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh Tây Ninh tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, cấp phát hơn 23.000 tờ rơi tờ bướm, hơn 5.000 quyển tài liệu hỏi đáp về phòng chống xâm, hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, trong 5 năm qua (2005 - 2010), tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở tỉnh Tây Ninh vẫn chưa giảm, ngược lại còn diễn biến phức tạp gây bức xúc cho gia đình và xã hội, với 250 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có 72 em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về dụng cụ học tập, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe với số tiền hơn 160 triệu đồng.
Với thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tăng cường sự kết hợp giữa các ngành chức năng, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở, kịp thời phát hiện những đối tượng trẻ em bị xâm hại, đồng thời quan tâm, chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho các em, tạo mọi điều kiện để các em ổn định cuộc sống; ngăn chặng các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại theo quy định của pháp luật, nhằm góp phần mang lại cho trẻ em môi trường sống an toàn, lành mạnh./.
Huy Hoàng
Ý kiến bạn đọc