Khu đất gia đình ông Đông đang canh tác ở khu vực chân Núi Bà Đen, nhiều năm gia đình trồng mãng cầu nhưng hiệu quả ngày càng giảm. Bởi do chi phí nhiều gồm phân bón, nhân công; nguồn nước tưới khan hiếm, mãng cầu hay bị ruồi vàng đục trái, ... nên thu hoạch không khá, ông rất nản và luôn trăn trở tìm loại cây trồng khác thay thế. Năm 2010, qua phương tiện thông tin đại chúng về giống mít Thái ở miền Tây cho năng suất cao, giá thu nhập khá, ông đến tận tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu giống mít này.
Nhờ ông chịu khó học hỏi kiến thức về cách thức chăm sóc nên cây mít phát triển tốt, sau 13 tháng mít thu hoạch, ông bán cho các chợ, sau này có nhiều thương lái tự tìm đến vườn mua. Một năm mít cho hai vụ, với thu nhập khá khoảng 300 triệu đồng/năm. Song đến năm thứ 3, cây mít mắc bệnh thối gốc, cây chết nhiều, ông lo lắng đi hỏi thăm nhiều nơi mua thuốc về và tìm tòi cách trị cây hết bệnh. Qua đó, ông cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong phòng trừ bệnh cho cây.
Trong quá trình sản xuất, ông rất chú trọng đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: khi mít non 2 tháng thì phun thuốc phòng ngừa bệnh, đến khi mít lớn không dùng thuốc gì hết, để đảm bảo an toàn cho người dùng. Từ đó, cây mít phát triển tốt, cho quả to, hạn chế sâu bệnh; đầu ra cũng thuận lợi hơn. Những năm gần đây, ông bỏ mối cho vựa ở tỉnh Tiền Giang, giá cao hơn; ngoài ra, ông còn bán lẻ cho các chợ; tổng lợi nhuận một năm khoảng 500 triệu đồng.
Ông Đông cùng cán bộ Hội Nông dân phường Ninh Sơn tham quan vườn mít
Ông Đông chia sẻ: "Trồng mít này chi phí ít, công chăm sóc cũng nhẹ hơn so với trồng mãng cầu mà thu nhập khá hơn. Mít trồng ở vùng đất hợp, rất ngọt nên tiêu thụ rất tốt. Từ hồi chuyển đổi sang trồng mít, gia đình tôi rất phấn khởi".
Với mức thu nhập khá từ trồng mít Thái, gia đình ông là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở phường Ninh Sơn.
Quế Hương – Nhật Quang.
Ý kiến bạn đọc