Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân thiếu nhiệt tình, trách nhiệm không cao.
Một trong những nội dung giám sát quan trọng trong năm 2024 của HĐND tỉnh là giám sát về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023. Kết quả giám sát cũng đã được ban hành bằng Nghị quyết số 171 tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh vừa diễn ra trong tháng 7 vừa qua, cho thấy quyết tâm của tỉnh trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Công chức tiếp nhận hồ sơ TTHC tại bộ phận Một cửa UBND thành phố Tây Ninh
Những kết quả nổi bật
Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh nhận định: cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiệm vụ này đã và đang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Việc tổ chức hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn chiếm tỷ lệ cao. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh tiếp nhận trên 1,4 triệu hồ sơ TTHC, tỷ lệ hồ sơ giải quyết xong, trả kết quả đúng hạn chiếm 97,46%; tỷ lệ hài lòng của tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC đạt khá cao, năm 2022 là 96,28%; năm 2023 đạt 88,87%.
Bà Trần Thị Bạch, ngụ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trước đây tôi thi bằng lái xe ở Tây Ninh nên hôm nay lên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh đổi bằng. Được sự hướng dẫn của cán bộ Sở Giao thông Vận tải, tôi được biết bằng lái của mình có giá trị không thời hạn nên không cần phải đổi. Tôi thấy công chức ở đây hướng dẫn người dân khá nhiệt tình”.
Trong những năm qua, UBND tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, giảm thời gian xử lý văn bản trên môi trường điện tử. Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: “Việc xây dựng, triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Tây Ninh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của lãnh đạo các cấp, thực thi công vụ”.
Đến nay, tỉnh đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đối với Trục liên thông văn bản của tỉnh, tính đến tháng 12.2023, có hơn 1,3 triệu văn bản gửi, nhận và trên 630.000 văn bản điện tử được gửi đi, trung bình mỗi tháng có trên 113.000 văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông. 98% các cơ quan đã gửi, nhận văn bản điện tử, 100% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân. Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã tích hợp 7 phân hệ giám sát chính, hỗ trợ tích cực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh.
Tỉnh cũng ưu tiên thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, nhiều người dùng, như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác vào các E-form trên hệ thống để người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian gần đây, Tây Ninh thực hiện cung cấp tiện ích dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng mini app Zalo và đã nhận được sự quan tâm, sử dụng của người dân, nhất là người trung niên và lớn tuổi.
Cán bộ Công an thành phố Tây Ninh hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên điện thoại
Cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến
Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo giám sát và nghị quyết của HĐND tỉnh đã nêu một số mặt còn hạn chế trong công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số.
Trước hết là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ của từng cấp, từng ngành trong thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân thiếu nhiệt tình, trách nhiệm không cao. Các chỉ số thành phần liên quan đến sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) theo đánh giá vẫn còn thấp so với các địa phương khác.
Mặc dù có nhiều cải thiện từ năm 2021 đến nay nhưng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở một số sở, ngành, UBND các cấp còn thấp. Trong giải quyết TTHC vẫn còn xảy ra tình trạng trả hồ sơ cho người dân và yêu cầu bổ sung nhiều lần; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết vẫn còn xảy ra tại các cấp chính quyền; việc tái sử dụng dữ liệu, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế.
Đặc biệt, hạ tầng dữ liệu về đất đai chưa đồng bộ dẫn đến hồ sơ lĩnh vực đất đai còn chậm, gây bức xúc nhiều trong nhân dân. Một số dữ liệu, thông tin của Trung tâm IOC chậm cập nhật, thậm chí thiếu chính xác, ảnh hưởng công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại chương trình toạ đàm cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số vừa qua, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Trung Hiếu cho biết, những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC thường xuyên thay đổi, tạo áp lực lớn cho các sở, ngành phải thường xuyên thống kê, rà soát thủ tục; việc kết nối, chia sẻ, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với các hệ thống của một số bộ, ngành chưa được thông suốt và hay bị lỗi, dẫn đến công tác giải quyết, theo dõi, quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục, thống kê và báo cáo gặp nhiều khó khăn. Công tác phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết TTHC có lúc, có việc chưa chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao, làm kéo dài thời gian giải quyết và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.
Giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Về phía người dân, vẫn còn một bộ phận chưa đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, chưa có điện thoại thông minh (hoặc máy tính), chưa mở tài khoản ngân hàng và thiếu kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Trong khi đó, giao diện ứng dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhìn chung còn khó nhập liệu, chưa thân thiện với người dùng.
Trong thời gian tới, Sở TT&TT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới công tác quản lý, điều hành; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia; hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân doanh nghiệp theo hướng thân thiện, dễ sử dụng; tập trung số hoá, tái sử dụng dữ liệu đã được các cơ quan Nhà nước số hoá để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; xem xét đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đường truyền internet để bảo đảm đường truyền hoạt động ổn định, tạo điều kiện để các đơn vị thực hiện tốt việc giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến đúng thời hạn.
Sở tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị; triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông để người dân tiếp cận nhiều hơn các ứng dụng công nghệ.
Phương Thuý
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc