Theo Nghị định này, việc bầu Trưởng ấp, khu phố được thực hiện như sau:
Bước 1: Công tác chuẩn bị
- Chủ tịch UBND cấp xã:
Ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng ấp, khu phố;
* Cùng với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng ấp, khu phố.
* Ban bành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng ấp, khu phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Trong đó, Tổ bầu cử gồm: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và đại diện hộ gia đình ở ấp, khu phố (không phải là người ứng cử Trưởng ấp, khu phố).
Các quyết định phải được thông báo đến nhân dân ở ấp, khu phố niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của ấp, khu phố và thông báo trên hệ thống truyền thanh… chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu cử.
- Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố:
* Tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng ấp, khu phố;
* Báo cáo cấp ủy chi bộ ấp, khu phố để thống nhất giới thiệu ít nhất 01 người ra ứng cử Trưởng ấp, khu phố;
* Tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố sau khi có ý kiến của chi ủy chi bộ ấp, khu phố để quyết định danh sách chính thức những người ứng cử (ít nhất 01 người).
Bước 2: Tiến hành bầu cử
Tổ bầu cử triệu tập và chủ trì cuộc họp bầu Trưởng ấp, khu phố. Thông tin về cuộc họp phải được thông báo trước ít nhất 02 ngày bằng: Giấy mời, thông báo trực tiếp, hệ thống truyền thanh… và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng của cụm, ấp, khu phố.
- Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua chương trình cuộc họp; giới thiệu người làm thư ký cuộc họp.
- Đại diện Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố giới thiệu danh sách người ứng cử do Ban công tác Mặt trận ở ấp, khu phố đã thống nhất với cấp ủy chi bộ ấp, khu phố và đề nghị đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp tự ứng cử/đề cử người có đủ tiêu chuẩn để tham gia bầu.
- Lựa chọn biểu quyết bằng hình thức giơ tay/bỏ phiếu kín để người tham dự biểu quyết lựa chọn.
* Biểu quyết giơ tay: Kết quả biểu quyết được kiểm đếm ngay tại thời điểm biểu quyết và được ghi vào biên bản cuộc họp.
* Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, người chủ trì cuộc họp đề xuất số lượng và danh sách Ban kiểm phiếu từ 03 - 05 người (gồm Trưởng ban và các thành viên) để đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp biểu quyết bằng hình thức giơ tay.
* Ban kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, cách ghi phiếu, bỏ phiếu và tiến hành phát phiếu. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu (mời 02 đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp chứng kiến việc kiểm phiếu) và lập biên bản kiểm phiếu. Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp.
- Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết đối với từng nội dung biểu quyết và kết luận cuộc họp. Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng các hình thức văn bản: Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư trong đó thể hiện rõ nội dung quyết định của cộng đồng dân cư.
Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cuộc họp, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Bước 3: Công nhận kết quả bầu cử
Trong thời hạn 05 làm việc ngày kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, UBND cấp xã xem xét, quyết định công nhận người trúng cử Trưởng ấp, khu phố/quyết định bầu lại.
Trường hợp không ban hành quyết định công nhận/quyết định bầu lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trưởng ấp, khu phố chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của UBND cấp xã.
Nghị định số 59/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Nhân Phụng