Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Thông tư quy định nội quy và quy chế tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm hướng dẫn kịp thời Nghị định số 06/2023 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/4).
Ngân hàng câu hỏi và đáp án đặt tại trụ sở Bộ Nội vụ
Theo dự thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ quyết định thành lập Hội đồng xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án gồm 9 hoặc 11 thành viên.
Ngân hàng câu hỏi và đáp án được đặt tại trụ sở Bộ Nội vụ, số 8 đường Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ngân hàng câu hỏi và đáp án bao gồm: máy vi tính để bàn làm máy chủ, máy tính xách tay làm máy trạm, phần mềm quản lý, USB chứa phần mềm xây dựng và thẩm định, máy in, tủ đựng tài liệu có khóa, văn phòng phẩm và được lắp camera hoạt động thường xuyên.
Phòng ngân hàng câu hỏi và đáp án khi không sử dụng phải được niêm phong bằng tem niêm phong.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).
Trước 30 ngày làm việc tính đến ngày tổ chức kiểm định, Hội đồng kiểm định chất lượng có trách nhiệm gửi thông báo triệu tập thí sinh dự thi.
Mỗi phòng thi có không quá 45 thí sinh. Trong trường hợp sử dụng phòng lớn (hội trường/giảng đường), có thể chia ra thành nhiều phòng thi nhưng mỗi phòng thi cần bảo đảm các yêu cầu theo quy định.
Bộ Nội vụ yêu cầu thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định. Trường hợp thí sinh dự thi đến chậm sau khi bắt đầu tính giờ làm bài thi thì không được dự thi.
"Chỉ được mang vào phòng thi bút viết và một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo. Không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác", dự thảo nêu rõ yêu cầu với thí sinh.
Trong thời gian làm bài thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi; nếu có đau, ốm bất thường thì phải báo cho giám thị phòng thi và giám thị phòng thi phải báo ngay cho trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi, giám sát thi xem xét, giải quyết.
Thí sinh chỉ được rời phòng thi khi đã nộp bài và ký xác nhận vào bảng kết quả thi. Trường hợp thí sinh dự thi không ký xác nhận vào bảng kết quả thi trước khi ra khỏi phòng thi thì phải nhận điểm 0. Trường hợp giám thị phát hiện thí sinh dự thi ký thay thí sinh dự thi khác thì các thí sinh này đều phải nhận điểm 0.
Thí sinh dự thi vi phạm sẽ bị xử lý khiển trách, cảnh cáo hoặc đình chỉ thi. Việc đình chỉ được thực hiện với thí sinh vi phạm đã bị lập biên bản với hình thức cảnh cáo nhưng vẫn cố tình vi phạm nội quy thi hoặc thí sinh cố ý gây mất an toàn, trật tự làm ảnh hưởng đến phòng thi.
Cán bộ, công chức, viên chức không tham gia tổ chức kỳ kiểm định nhưng có các hành vi như: thi hộ; chuyển đề thi ra ngoài; đưa lời giải vào cho thí sinh; đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi; gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Không phúc khảo kết quả với bài thi trắc nghiệm trên máy vi tính
Bộ Nội vụ khẳng định, hạ tầng kỹ thuật của điểm thi không được kết nối với bên ngoài qua mạng internet trừ đường truyền dự phòng cho phòng máy chủ để xử lý các tình huống bất thường về kỹ thuật trong thời gian thi. Đường truyền dự phòng chỉ kết nối đến phòng máy chủ của điểm thi. Trước khi bắt đầu ca thi, đường truyền dự phòng phải được niêm phong với sự xác nhận của trưởng điểm thi, nhân viên kỹ thuật máy vi tính và thành viên ban giám sát.
"Nguyên tắc chung là mọi liên lạc trong thời gian thi ở một vị trí liên lạc chỉ được thực hiện với sự tham gia của ít nhất hai thành viên được giao trách nhiệm; nội dung trao đổi phải được công khai và ghi lại thành biên bản với chữ ký xác nhận về nội dung của các thành viên cùng thông báo, tiếp nhận thông tin trước khi thực hiện", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ không phúc khảo kết quả đối với bài thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
Trường hợp người dự thi phát hiện câu hỏi thi có sai sót, phải viết đơn kiến nghị ngay sau khi kết thúc ca thi gửi ban coi thi. Trưởng ban coi thi có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch hội đồng kiểm định chất lượng để xem xét, giải quyết ngay trong buổi thi đó.
---------------------
Một năm kiểm định chất lượng đầu vào công chức 2 lần
Nghị định 06/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực thi hành từ 10/4. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ được diễn ra định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm, áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Trước ngày 31/1 hằng năm, Bộ Nội vụ công bố kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính với nội dung là những hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ…
Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo Nghị định 138/2020 đến hết ngày 31/7/2024.
Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
Hữu Hồng