Niềm tự hào của người dân Tây Ninh

Chủ nhật - 24/12/2023 10:38 713 0
Múa trống Chhay-dăm là loại hình múa dân gian của dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đây là một trong những loại hình nghệ thuật sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, từ năm 2014, Múa trống Chhay-dăm (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Biểu diễn múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer ở Tây Ninh tại Liên hoan văn hoá nghệ thuật dân gian Việt Nam năm 2023 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh
Biểu diễn múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer ở Tây Ninh tại Liên hoan văn hoá nghệ thuật dân gian Việt Nam năm 2023 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Độc đáo nghệ thuật múa trống Chhay-dăm

Nhắc đến Tây Ninh, những người yêu vùng đất này đều nhớ đến núi Bà Đen, Di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, các món ăn chay và cuốn hút trước sự hấp dẫn đến lạ kỳ của nghệ thuật múa trống Chay-dăm của đồng bào Khmer ngụ cư lâu đời trên vùng đất này.

Xuất phát từ niềm tự hào, dân tộc Khmer cùng với các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ra sức giữ gìn và phát huy. Đầu tiên, múa trống Chhay-dăm được coi là một hình thức giáo dục truyền thống của người Khmer, giúp truyền đạt các giá trị văn hoá, tôn giáo, đạo đức và lịch sử của dân tộc đến các thế hệ sau.

Cùng với đó, múa trống Chhay-dăm còn phản ánh cuộc sống của người Khmer, với các tình huống lịch sử, truyền thuyết và thần thoại được tái hiện trong các giai đoạn của múa. Đặc biệt, múa trống Chhay-dăm còn là một hình thức nghệ thuật thể hiện sự tôn vinh và cúng dường các vị thần, tổ tiên, vua chúa và người anh hùng của dân tộc Khmer.

Với những ý nghĩa đa dạng và sâu sắc như vậy, múa trống Chhay-dăm đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa truyền thống của người Khmer ở Tây Ninh và các tỉnh lân cận và được đánh giá là một di sản văn hóa quan trọng của Việt Nam.

Theo các tài liệu ghi chép, trong quá trình hình thành và phát triển tiết mục múa trống Chhay-dăm ở tỉnh nhà, thoạt đầu là từ khoảng năm 1953, khi Hoàng thân Campuchia Sihanouk tặng Toà thánh bộ nhạc cụ Khmer gồm một đàn xuồng, hai đàn ngũ âm, một trống cơm, hai trống chiến, một bạc xà cùng ba trống Chhay-dăm. Đầu tiên, trống chỉ dùng để đánh nhịp phục vụ nghi thức cho lễ cúng tại đền thánh, sau này dần dần có sự phối hợp giữa múa trống với múa long mã, kỳ lân. Về sau, trống Chhay-dăm được sáng tạo thêm các kiểu đánh bằng cùi chỏ, đầu gối, gót chân. Ngoài ra, có thêm các điệu múa lăn tới, lăn ngược. 

Từ ba chiếc trống ban đầu ấy, nay bộ trống Chhay-dăm của người Khmer ấp Trường An, xã Trường Tây có 25 chiếc. Điệu múa trống cũng trở nên phong phú linh hoạt hơn. Đặc biệt, điệu múa này không cần dùng đến âm nhạc như những điệu múa khác, mà múa bằng tiết tấu nhịp của trống đánh mộc bằng tay, chân. Đây là một điệu múa dân gian đặc sắc, chỉ Tây Ninh mới có nên đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, mặc dù loại hình này vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng dân tộc Khmer một số tỉnh vùng Tây Nam bộ.

Tuy nhiên, so với các địa phương khác, múa trống Chhay-dăm ở Tây Ninh thể hiện bản sắc riêng. Nét khác biệt với múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer miền Tây Nam bộ ở chỗ tiết tấu, giai điệu, âm thanh, động tác và cả trang phục.

Về giai điệu, tiết tấu, múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer tỉnh Tây Ninh chỉ có phần thể hiện của trống Chhay-dăm. Tiết tấu chủ yếu là cắc tùm tum, tum tum tụp, cắc tùm tum gõ vào nơi tiếp giáp của thành và mặt trống, tum tum tụp gõ vào thẳng mặt trống. Tiết tấu có lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng, khi thể hiện sức mạnh. Trong khi đó, múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer các tỉnh Tây Nam bộ có phần tham gia của bộ dây, vỗ, hơi và tự ngân vang như: đàn cò, đàn T-ro, đàn khưm, đàn Tà khê, đàn Rô-ni-êtek, trống Sờ cua… Tiết tấu đều, ít thay đổi, âm sắc nhẹ, phách, nhịp ít đảo. Điều này tạo ra một “dàn nhạc” đa dạng nhưng không thể hiện được bản sắc riêng nổi bật của trống Chhay-dăm.

Chính vì thế, về âm thanh, múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer Tây Ninh là âm thanh vang ra từ trống, rộn ràng, sôi nổi, thể hiện sức mạnh của bộ võ; còn múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer các tỉnh Tây Nam bộ là sự trộn lẫn của âm thanh các nhạc cụ, rộn ràng, thể hiện bộ văn.

Hoá trang trong múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer Tây Ninh như đời thường, mang tính gần gũi, chân phương; trong khi múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer các tỉnh Tây Nam bộ có đeo mặt nạ, mang tính hư cấu.

Động tác trong múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer Tây Ninh mạnh mẽ, có vũ đạo như võ thuật, chân xuống tấn hoặc di chuyển dứt khoát, tay bật nhanh, thân hình uyển chuyển nhào lộn trông rất điêu luyện, đẹp mắt. Trong khi Múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer các tỉnh Tây Nam bộ sử dụng động tác tay nhiều hơn chân.


Các “nghệ nhân nhí” ở Tây Ninh trong một buổi tập múa trống Chhay-dăm

Đào tạo được nhiều thế hệ kế thừa

Trước đây, việc truyền dạy cho các học viên do nghệ nhân ưu tú Trần Văn Xén (xã Long Thành Bắc) phụ trách. Gần chục năm nay, việc gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn này còn có thêm nghệ nhân May-Sym. Đến nay, các ông đã truyền dạy cho thế hệ trẻ dân tộc Khmer và các dân tộc khác có nhu cầu học múa trống Chhay-dăm được 30 người, chia thành 2 đội (một đội người lớn và 1 đội thiếu niên) với hơn 25 trống lớn, nhỏ, biểu diễn thuần thục, phục vụ tốt vào các dịp lễ, hội dân tộc và tôn giáo.

Nghệ nhân May-Sym (sinh năm 1964, dân tộc Khmer) cho biết, ông học múa trống từ lúc 14 tuổi, từ nghệ nhân Cao Văn Chia (đã mất). Tính đến nay ông đã hơn 30 năm theo nghề, hiện ông là Phó Chủ nhiệm Nhà văn hoá dân tộc Khmer ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành (địa danh này còn có tên dân gian gọi là Bàu Ếch).

Nghệ nhân May-Sym chia sẻ, Đội trống Chhay-dăm ở Bàu Ếch hình thành từ rất lâu, các thành viên thay đổi khá nhiều, có nghệ nhân không còn nữa, nhưng các thành viên đội trống luôn truyền dạy lẫn nhau, giữ gìn các động tác múa trống truyền thống và trong quá trình hoạt động đã có cải biên cho phù hợp. “Đội trống lúc đầu hình thành chủ yếu múa trong các dịp lễ, tết (Chol Chnam Thmay, Dolta, Ok Om Bok), lễ cúng, đón rước thần linh… dần dần các điệu múa trống xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng: họp, sinh hoạt của bà con trong phum, sóc dân tộc Khmer”, nghệ nhân May-Sym chia sẻ.

Tại Nhà văn hoá dân tộc Khmer ấp Trường An hiện có 2 đội trống Chhay-dăm đang hoạt động khá thường xuyên, số lượng mỗi đội từ 10 người trở lên, diễn viên lớn tuổi nhất 60 tuổi, nhỏ tuổi nhất 10 tuổi, có những em nhỏ từ 6 đến 8 tuổi đang theo học. Hai đội trống này thường xuyên được mời đi biểu diễn.

Ngoài đội trống nói trên, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều đội trống với hàng trăm người biết múa, một số đội trống tiêu biểu như: đội trống Chhay-dăm Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, đội trống xã Trường Tây, đội trống xã Trường Đông, đội trống xã Long Thành Bắc, đội trống thị xã Hoà Thành…

Ngày nay không chỉ có dân tộc Khmer biết múa mà nhiều diễn viên dân tộc Kinh và một số dân tộc thiểu số khác như Tà-Mun, Hoa… sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng tham gia, có diễn viên gần 70 tuổi, có diễn viên trong độ tuổi nhi đồng. Đa phần người tham gia thích tập múa trống vì tiếng trống nghe vui tai, động tác múa trống linh hoạt, uyển chuyển, thể hiện sự mạnh mẽ, phấn khởi và quyết tâm.

Nguyễn Thu Hà

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay4,173
  • Tháng hiện tại72,873
  • Tổng lượt truy cập4,543,341
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây