Nghi thức đọc sớ tôn thần
Lễ cúng Kỳ Yên Đình Thái Bình được tổ chức hằng năm gồm các nghi lễ truyền thống như: lễ rước Sắc Thần, các nghi thức cúng cơm chay, cúng cầu Quốc thái dân an, cúng tế Linh Thần, cúng Thần Nông, Lễ Hồi sắc… nhằm cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho công việc lao động sản xuất của nhân dân được thuận lợi, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đồng thời cũng là để giữ gìn nét đẹp truyền thống tín ngưỡng dân gian của dân tộc.
Đình Thái Bình được xây dựng trên 100 năm, thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh Võ Văn Oai – là vị quan đại thần triều đình Huế, chống giặc từ bên kia biên giới sang và tuẫn tiết tại vùng này. Ngày 18/3/1917, vua Khải Định năm thứ II đã sắc phong đình thành Thái Bình. Ngôi đình được sửa chữa lớn vào năm 1950. Khuôn viên đình rộng 1.700m2, tiền đình quay về hướng Đông Nam, mặt tiền đắp nổi biểu tượng cuốn thư: sách và gươm, hai bên có lầu chuông, gác trống, đỉnh nóc đình có lưỡng long chầu nguyệt. Năm 1994 Đình Thái Bình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và được trùng tu tôn tạo vào năm 2013.
Ông Trần Ngọc Hai – Hội phó Hội Quý tế Đình Thái Bình cho biết, bên cạnh Lễ cúng Kỳ Yên là ngày lễ lớn, thì hằng năm Đình còn tổ chức hai lễ cúng nhỏ khác là: Lễ Dựng Nêu và Lễ cúng Khai Sơn. Trung bình mỗi năm có khoảng 600 người dân đến cúng viếng tại Đình Thái Bình để cầu bình an. Dịp Lễ cúng Kỳ Yên năm nay cũng là dịp kỷ niệm 100 năm sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh (1917 – 2017).
H.H
Ý kiến bạn đọc