Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Chủ nhật - 08/12/2024 13:30 78 0

(CTTĐTTPTN) - Ngày 05/12/2024, Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-BCĐTKNQ18 định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV và khóa XVI bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng Chính phủ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ Nhân dân; tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng 

Kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ. Đảng ủy Chính phủ gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư, các Phó Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy; quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng Chính phủ hiện nay.

Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng bộ Chính phủ gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm đồng chí Bộ trưởng làm Bí thư, các đồng chí Thứ trưởng, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy, quy định ban thường vụ đảng ủy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hiện nay.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ

Duy trì 08 bộ, cơ quan ngang bộ (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), đối với các bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đối với các cơ quan ngang bộ gồm: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc đề xuất duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ trên là cần thiết, bảo tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Định hướng cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ, cụ thể là hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).

Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.

Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ).

Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động Ban này); đồng thời dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội).

Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án sáp nhập Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.

Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan. Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển; các nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực liên quan đến phạm vi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty sẽ do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm quản lý, bảo đảm tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu; nghiên cứu chuyển chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước về các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực.

Đối với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam...) thì nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan. Thực hiện phương án này, dự kiến chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Để thực hiện nhiệm vụ điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính (gồm: chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng), trong điều kiện các luật chuyên ngành đang giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành thực hiện chức năng giám sát chuyên ngành (Bộ Tài chính giám sát thị trường chứng khoán, bảo hiểm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát hoạt động ngân hàng), cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành do lãnh đạo Chính phủ làm người đứng đầu để chỉ đạo hoạt động điều phối giám sát chung đối với thị trường tài chính.

Sắp xếp 02 Viện Hàn lâm khoa học và 02 Đại học Quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo. Đối với 02 Viện Hàn lâm: Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Phương án 2: Duy trì 02 Viện Hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam. Đối với 02 Đại học Quốc gia (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.

Kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam và xây dựng Đề án cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện sắp xếp, tinh gọn, giảm mạnh đầu mối tổ chức bộ máy bên trong và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên cho các hoạt động.

Chuyển Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng: theo Nghị định số 61/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Ban Quản lý là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, việc chuyển Ban Quản lý này về Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý có yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phát huy tốt giá trị của khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ đón tiếp các đoàn khách quốc tế và du khách trong nước, tăng cường hợp tác quốc tế và bảo vệ, gìn giữ tốt thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cơ cấu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển: sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 01 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển). Thực hiện phương án này, về cơ bản vẫn tạo điều kiện cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ có tính độc lập như hiện nay; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng quản lý bảo hiểm (hiện nay do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch) chỉ đạo công tác quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được hiệu quả (thu gọn được 01 đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ)./.

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,295
  • Tháng hiện tại61,102
  • Tổng lượt truy cập4,531,570
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây