Rèn luyện đạo đức cách mạng là xuyên suốt và nhất quán

Thứ sáu - 08/12/2023 08:16 211 0
Đặc biệt quan tâm vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong là sự nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. 65 năm sau khi tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (12/1958)[1] ra đời, những chỉ dẫn của Người vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc.
Rèn luyện đạo đức cách mạng là xuyên suốt và nhất quán

Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của đạo đức cách mạng

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn được giải phóng, song sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn tiếp tục. Song khi đó, những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tâm trạng “hưởng thụ thời bình” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã trở thành nguy cơ đe dọa uy tín, vị thế của một Đảng cầm quyền. Nhận thức rõ những gian nan, trắc trở, những khó khăn phức tạp của tiến trình cách mạng và sớm tiên liệu được tình hình, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Ðạo đức cách mạng”. Trong đó, Người khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng; chỉ rõ kẻ thù của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân; nêu những nguy cơ rời xa đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, nêu rõ những biện pháp để ngăn ngừa và sửa chữa căn bệnh đó.

Phần đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói về lịch sử cuộc đấu tranh của con người với giới tự nhiên; quá trình lao động sản xuất để sinh tồn; vai trò sức mạnh của số đông, của tập thể, của xã hội và nhấn mạnh rằng trong thời đại văn minh, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội, mà còn khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt” [2]. Đồng thời, Người cũng khẳng định, sự phát triển của các phương thức sản xuất, và sự tiến bộ của xã hội loài người, từ công xã nguyên thuỷ đến cộng sản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, không thể đảo ngược. Và trong hành trình phát triển đó, cùng với sự phát triển của lịch sử, xã hội, giai cấp đã xuất hiện. Cũng là một tất yếu khách quan, cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, giữa “bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc” và “những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân” ngày càng quyết liệt. Vì vậy, để giành lấy thắng lợi trong cuộc đấu tranh đó, cách mạng nhất định phải do Đảng Cộng sản - đội tiền phong của “giai cấp công nhân lãnh đạo”, vì đó là “giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất”. Điều này đã được lịch sử chứng minh và đó là xu thế của thời đại.

Tiếp đó, không chỉ nhận thức rõ tính chất quyết liệt, cam go của cuộc đấu tranh giai cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh rằng: Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới “là một sự nghiệp rất vẻ vang”, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp, lâu dài và gian khổ. Vì thế, muốn giành thắng lợi thì “người cách mạng cần phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng”, để khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình và “đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”. Đồng thời, khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá, v,v.. Thực tế, đã có rất nhiều những người con ưu tú của Đảng như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai… là tấm gương mẫu mực của đạo đức cách mạng; đã vì Dân, vì Đảng “mà oanh liệt hy sinh, nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dù là một Đảng Mácxít - Lêninnít, song được xây dựng và phát triển ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, nên trong mỗi người cán bộ, đảng viên cũng vẫn còn hoặc nhiều, hoặc ít vết tích xấu xa của chế độ xã hội cũ - đó chính là chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù của đạo đức cách mạng. Nếu chỉ cần còn lại trong mình, “dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Trong khi đó, chủ nghĩa cá nhân không chỉ thường ẩn nấp trong mỗi con người, luôn chờ dịp “để ngóc đầu dậy”, mà còn là một thứ “vi trùng” rất gian giảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, “mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”. Cho nên, mỗi người cách mạng phải hiểu sâu sắc rằng, Đảng phải không chỉ là một đội ngũ tiên tiến nhất, tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân và dân tộc, mà còn là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng; đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ có sứ mệnh lịch sử cải tạo thế giới, mà còn phải nỗ lực tự cải tạo bản thân mình, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đó là nhu cầu tự thân để phòng và chống chủ nghĩa cá nhân.

Cũng trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu rõ vai trò của đạo đức cách mạng, chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của đạo đức cách mạng và người cách mạng, mà Người còn chỉ rõ rằng, ngoài những người vẫn thường ngày rèn luyện đạo đức cách mạng thì trong Đảng đã có không ít người thoái hoá, biến chất, chỉ lo hưởng thụ, nghỉ ngơi, lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng… nên chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút và vai trò tiền phong gương mẫu của họ vì thế cũng không còn. Do đó, muốn xứng đáng với vai trò tiền phong thì một trong những biện pháp để gột rửa những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tiêu cực hằng ngày… thì mỗi người đều phải chuyên tâm rèn luyện đạo đức cách mạng, ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo mình để tiến bộ. Đặc biệt, dù hoạt động bí mật hay khi đã trở thành Đảng cầm quyền; là thời kỳ chiến tranh hay hòa bình thì thực tiễn đó cũng đều là “những trường học rất tốt” để cán bộ, đảng viên rèn luyện đạo đức cách mạng.

Từ năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra hiện tượng một số cán bộ, đảng viên vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, nên đã kể công, đòi ưu đãi với Đảng, muốn Đảng “cảm ơn” vì cho rằng họ “không có tiền đồ”, “bị hy sinh”… rồi dần dần xa Đảng, “thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”. Một số ít người thì trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, chỉ “phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh những cán bộ ngoài Đảng”[3]. Một số người tự cho mình cái gì cũng giỏi, xa rời quần chúng, “không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng”; mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh và “kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”… Thực chất, đó đều là những người đã bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, đã mang nặng chủ nghĩa cá nhân và không “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ”, nên đã trở thành có tội với cách mạng; đều là những người “làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng”.

Rèn luyện đạo đức cách mạng để xứng đáng với vai trò tiền phong

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được hiểu “tóm tắt” là: 1) “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”; 2) Là luôn “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”; 3) Là “ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”[4]… Cho nên, để hoàn thành trọng trách Tổ quốc và Nhân dân giao phó, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thì mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần và thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng; phải phòng, chống chủ nghĩa cá nhân từ sớm, từ xa để không rơi vào vòng “lạc hậu và thoái bộ”. Cụ thể, theo Người, thấm nhuần và rèn luyện đạo đức cách mạng là mỗi cán bộ, đảng viên đều phải “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, “ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng… tuyệt đối không thể lừng chừng”, “quyết tâm đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”, là “vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”[5]

Vì Đảng Cộng sản Việt Nam đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; cán bộ, đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên lợi ích của người đảng viên phải ở trong, chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng, của giai cấp: “Lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn”[6]. Vì vậy, đối với những người cách mạng, lợi ích của cá nhân luôn gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, người cách mạng phải phục tùng lợi ích chung của tập thể. Hơn nữa, thực tế cho thấy, tư tưởng và hành động, lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên ảnh hưởng lớn đến quần chúng, do đó “vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”[7]; càng phải “kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng” và nhất là “hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, gương mẫu đi đầu và nâng cao tinh thần trách nhiệm trước quần chúng, trước Đảng gắn liền với việc tự soi, tự sửa để ngăn ngừa và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân để “làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”.

Vì chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm như quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, tham ô, lãng phí... để trói buộc, bịt mắt và kích thích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mà không màng đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của đất nước, nên nó không chỉ là kẻ thù “nội xâm”, mà còn là kẻ thù của tình đoàn kết và thương yêu lẫn nhau trong mỗi tập thể, tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị. Vì chủ nghĩa cá nhân là “một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”[8], cho nên, “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân[9]… Thực tế, “cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Vì thế, “để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, nhất là để “củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng giao phó cho mình” thì mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải “cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin”, “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”, chứ không phải là học để trang sức, để loè người.

Cuối cùng, có thể khẳng định rằng, dù là vào thập niên 1950 hay hiện nay thì những trăn trở, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Người chỉ ra trong tác phẩm này tiếp tục được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và trong Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”… Thực tế, những cán bộ, đảng viên không chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, vướng vòng lao lý… chính là minh chứng cho thấy “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[10]. Và cũng vì thế, mọi đảng viên đều phải chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, “nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”[11] để xứng đáng với vai trò tiền phong như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn./

TS. Văn Thị Thanh Mai - Ths. Nguyễn Tuấn Dũng

_____________

[1] Tác phẩm được in lần đầu trên Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) in thành sách và phát hành tháng 12/1958

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.600

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.608

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.603

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.606

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.610

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.607

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.611

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.609

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.609

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.607

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: chinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay135
  • Tháng hiện tại74,428
  • Tổng lượt truy cập4,544,896
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây