Xây dựng Đảng - xây dựng tổ chức và con người

Thứ hai - 29/05/2023 11:04 244 0
Chúng ta công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, làm sao vừa hội nhập kinh tế quốc tế lại vừa giữ được độc lập, tự chủ? Nghe tưởng như mâu thuẫn, nhưng trong thực tế chúng ta đã phải xử lý các mối quan hệ cực kỳ khó khăn.
Ngày 30.5.2023, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn quốc. Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” có nhiều bài viết giá trị về công tác xây dựng Đảng. Năm 2008, phát biểu trong cuộc họp của Đảng bộ Văn phòng Quốc hội với tư cách một đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) nhấn mạnh, xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức và con người.
 

Nước nào cũng có đảng lãnh đạo

Sau khi dẫn lại một số câu nói của những nhà cách mạng tiền bối cả trong và ngoài nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thời điểm đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội) chỉ ra rằng, trong thời đại ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới từ nước lớn đến nước nhỏ, đều có đảng lãnh đạo.

Từ các nước giáp chúng ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia đến các nước ở xa ta như Nga, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia... dù một đảng hoặc hai đảng, hoặc nhiều đảng liên minh với nhau, nhưng dứt khoát phải có đảng lãnh đạo, vì mọi vấn đề trọng đại của đất nước không thể do cá nhân quyết định mà phải do một tập thể có trí tuệ quyết định.

Vậy đảng là gì? Đảng là tổ chức chính trị của những người cùng chung một chí hướng, thuộc cùng một giai cấp, tầng lớp hoặc liên minh giai cấp, tầng lớp đấu tranh thực hiện lý tưởng, mục tiêu của mình. Xây dựng đảng là gì? Xây dựng đảng là xây dựng tổ chức và con người để bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp và mục tiêu lý tưởng của đảng đó.

“Tôi nghĩ xây dựng Đảng là vô cùng quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, công tác xây dựng Đảng lại càng quan trọng”- Tổng Bí thư nêu và giải thích vì sao xây dựng Đảng lại quan trọng.

Thứ nhất, nhiệm vụ chính trị của chúng ta rất nặng nề, có nhiều vấn đề mới đặt ra chưa có tiền lệ, hết sức phức tạp và khó khăn. Đó là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào? Kinh tế thị trường vận hành theo quy luật của thị trường nhưng phải bảo đảm công bằng xã hội, không xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, làm sao vừa hội nhập kinh tế quốc tế lại vừa giữ được độc lập, tự chủ? Nghe tưởng như mâu thuẫn, nhưng trong thực tế chúng ta đã phải xử lý các mối quan hệ cực kỳ khó khăn.

Tình hình quốc tế đang thay đổi, trước đây có hai phe, bạn - thù rõ rệt, bây giờ đan xen nhau, không rõ, quan hệ với anh này lại đụng đến anh kia, xử lý các mối quan hệ vô cùng phức tạp. Rõ ràng, ngày xưa có cái khó của ngày xưa, bây giờ có cái khó của bây giờ, đòi hỏi phải có đủ trình độ, trí tuệ, sự hiểu biết, không chỉ hiểu biết trong nước mà còn phải hiểu biết quốc tế, nắm vững luật pháp quốc tế, nắm vững những điều chúng ta đã ký kết với quốc tế, đồng thời lại phải giữ được độc lập tự chủ, ta vẫn là ta chứ không ai “hoà tan” ta được.

Tiếp theo, Đảng đã nhiều lần phân tích, đánh giá là hiện nay tình hình Đảng ta và công tác xây dựng Đảng bên cạnh những mặt tốt, cũng còn không ít yếu kém, khuyết điểm. Trình độ đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Phẩm chất đạo đức thế nào? Tham nhũng, tiêu cực hình như càng nói chống thì càng phình ra; quan hệ với dân thì hình như có chiều xa cách, uy tín giảm sút, nhận định như vậy có đúng không? Và nếu thế thì làm sao đủ sức chiến đấu, làm sao có đủ niềm tin, lại cộng thêm những dao động về lý tưởng nữa! Có người nói bây giờ có tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”, chỉ có chuyên môn và làm kinh tế thôi, có đúng không? Cho nên, yêu cầu đặt ra đối với chúng ta là rất lớn, sức ta chưa đáp ứng được nhiều, dù vừa qua đã rất cố gắng.

Thứ ba, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Hằng ngày chúng ta đều thấy, khi đọc báo, nghe tin chúng ta đều thấy. Người ta khen mình có khi mình lo, vì khen ta đang đi “đúng hướng” và ca ngợi hết lời, nhưng cứ sử dụng con bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo khía vào chúng ta.

Người ta tuyên bố thẳng thừng rồi chứ không còn úp úp mở mở, họ nói thẳng là họ đã thua Việt Nam trên chiến trường, bây giờ không thể để Đảng Cộng sản Việt Nam yên vị trên đất nước này được, họ đã thua trên chiến trường thì bây giờ phải thắng trong thị trường.

Người ta tìm mọi cách để “diễn biến” và làm cho chúng ta “tự diễn biến”, thông qua ngoại giao, thông qua kinh tế, thông qua hợp tác… Mặt tích cực trong hợp tác thì ta khỏi nói, nhưng có phải tất cả mọi sự hợp tác đều là vô tư, trong sáng, có phải thực sự lành mạnh không, hay qua hợp tác lại nhằm mục đích gì? Tại sao họ nói thẳng ra là phải làm “xanh hoá những cái đầu đỏ”, phải “dùng cộng sản con để diệt cộng sản bố”, chia rẽ từ trong nội bộ ta.

Đương nhiên, về mặt tốt ta biết cả rồi và rất cảm ơn, hoan nghênh, ai giúp Việt Nam lúc này cũng quý và ta đang kêu gọi đầu tư, muốn làm được nhiều hơn nữa, mời vào đầu tư nhiều hơn nữa, nhưng phải chăng chỉ có mặt tốt, một chiều như thế thôi?

Khái niệm chiến đấu - không nên hiểu máy móc

Tác giả cuốn sách tại thời điểm năm 2008 chỉ ra rằng, xây dựng Đảng là xây dựng về tư tưởng, về tổ chức, về cán bộ. “Vậy chúng ta đã có chủ trương gì về công tác tư tưởng, làm quy hoạch cán bộ như thế nào, công tác tổ chức như thế nào, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên chúng ta hiểu hết chưa.

Nếu nói chung chung và nhận định cơ bản là tốt thì dễ thôi, nhưng đi sâu vào nội tình của từng nơi thì chắc là còn nhiều việc phải làm để xây dựng con người và xây dựng tổ chức, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị”- tác giả viết.

Tác giả viết tiếp, khi chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, thảo luận trong Hội đồng Lý luận Trung ương (năm 2004) cũng có đồng chí nói là lúc này “đánh đấm” gì mà nêu tính chiến đấu. Nâng cao năng lực lãnh đạo thì đúng, nhưng chiến đấu với ai, mình có hung hăng quá không? Chủ đề của Đại hội X là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Bộ Chính trị đã giải trình một lần nữa là: phải nói cả hai vế nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đương nhiên trong năng lực lãnh đạo cũng phải có sức chiến đấu, trong sức chiến đấu cũng phải có năng lực lãnh đạo thì mới chiến đấu được.

Chiến đấu ở đây không phải chỉ hiểu đơn thuần là chiến đấu với kẻ thù, mà chiến đấu với tình trạng trì trệ, không phát triển, chiến đấu với việc làm sai trái, chiến đấu với chính bản thân mình để vượt lên những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chiến đấu chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Không phải chỉ từng cá nhân cán bộ, đảng viên chiến đấu mà cả tổ chức cũng phải nâng cao tính chiến đấu.

“Chúng ta đã nói nhiều về chống tham nhũng nhưng có thấy mấy chi bộ phát hiện ra đâu. Khi bình chọn cuối năm thì hầu hết đảng viên là đủ tiêu chuẩn và chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhưng đơn thư tố cáo thì rất nhiều và tình trạng tham nhũng có cả ở đấy. Điều đó có nghĩa gì? Do vậy, đòi hỏi một phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo nhưng phải có dũng khí chiến đấu.

Xây dựng Đảng là vấn đề rất khó, vì vừa phải xây dựng tổ chức, vừa phải xây dựng con người. Mà con người, như Goócki nói: “Hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người, như tục ngữ ta nói cũng đủ thứ, ta biết con người là thế nào rồi, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”! Nhìn người khác thấy khuyết điểm thì rất rõ, nhìn khuyết điểm của chính mình thì rất khó; nhìn mình bao giờ cũng thấy hay hơn, giỏi hơn người khác, nhưng lại bị thiệt hơn người khác; còn người khác thì kém mình mà lại được hưởng hơn mình, cho nên mới có những tâm tư này khác, mặc dù cũng có tâm tư chính đáng, nguyện vọng chính đáng.

Vì vậy, muốn xây dựng Đảng tốt, từng tổ chức tốt thì từng con người phải tốt. Tốt trước hết ở đây là tự giác, không tự giác thì cực kỳ khó. Cơ quan nào cũng bảo nơi khác tham nhũng chứ cơ quan mình có tham nhũng đâu? Tại sao có bệnh thành tích chủ nghĩa? Từng con người một cho là tốt cả, nhưng trong dân không chấp nhận. Kiểm điểm phê bình cuối năm cũng qua loa, thành tích là cơ bản.

Cho nên sự tự giác của mỗi người chúng ta là rất quan trọng. Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tác giả đánh giá đây là việc làm rất tốt, song cũng lưu ý, “đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thì nói người khác mới nghe, chứ nói đấu tranh rất mạnh nhưng bản thân “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người” thì người ta không chịu”.

Việt Đông

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: Tây Ninh Online

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm1
  • Hôm nay960
  • Tháng hiện tại116,083
  • Tổng lượt truy cập4,702,087
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây