Một trong những nhiệm vụ đột phá năm 2023 về chuyển đổi số của tỉnh là hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các tiện ích và dịch vụ công trực tuyến của chính quyền đang được triển khai trên địa bàn. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, đặc biệt là sự vào cuộc của các tổ công nghệ số cộng đồng giúp người dân tiếp cận thông tin và cách sử dụng các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến, nhằm thực hiện xuyên suốt quan điểm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số”.
Tỉnh đầu tiên của Việt Nam phát triển mini app trên Zalo
“Tây Ninh Smart” là ứng dụng dùng chung của tỉnh Tây Ninh được triển khai từ tháng 7.2021 với mục đích ban đầu là sử dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đến nay, Tây Ninh Smart đã có gần 136.000 lượt cài đặt trên kho ứng dụng Appstore và CHPlay, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Qua quá trình triển khai ứng dụng, tỉnh phát hiện một số vấn đề như quá trình tải về, cài đặt ứng dụng và việc đăng ký tài khoản không thuận tiện, đặc biệt là đối với người trung niên, lớn tuổi; dung lượng của ứng dụng càng ngày càng lớn cũng làm hạn chế số người tiếp cận ứng dụng.
Để giải quyết khó khăn trên, đội ngũ phát triển phần mềm thuộc Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung (trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) nghiên cứu, phát triển phiên bản ứng dụng “Tây Ninh Smart” chạy trực tiếp trên nền tảng mini app của Zalo và đã ra mắt phiên bản này vào ngày 3.3 vừa qua.
Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ra mắt mini app trên Zalo; một số tỉnh, thành phố trong cả nước đang quan tâm, học tập kinh nghiệm từ Tây Ninh để triển khai thực hiện”.
Với phiên bản mini app này, người dùng không cần phải tải, cài đặt ứng dụng riêng lẻ hay đăng ký tài khoản mới, tất cả các thông tin và tiện ích của “Tây Ninh Smart” sẽ được truy cập trực tiếp ngay trên Zalo.
Mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo cung cấp các tiện ích như: nộp hồ sơ trực tuyến; phản ánh hiện trường; hỏi đáp trực tuyến; đăng ký cửa hàng 4.0; thanh toán học phí trực tuyến; xem truyền hình, radio trực tuyến; cập nhật các tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương…
Để sử dụng phiên bản mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo, người dân chỉ cần mở tài khoản Zalo của mình, tìm kiếm từ khoá “Tây Ninh Smart”, sau đó chọn mini app “Tây Ninh Smart”.
Dung lượng lưu trữ của ứng dụng Tây Ninh Smart trên nền tảng Zalo chỉ khoảng 0,6 MB, nhỏ hơn rất nhiều lần so với ứng dụng thông thường. Mini app “Tây Ninh Smart” trên nền tảng Zalo sử dụng cơ chế xác thực 2 cấp độ nhằm bảo đảm tính bảo mật.
Ở cấp độ 1, sẽ thực hiện định danh người dùng qua các thông tin cơ bản của trên Zalo như tên, số điện thoại. Các tài khoản ở cấp độ 1 có thể sử dụng hầu hết các tiện ích trên mini app “Tây Ninh Smart” (trừ các tiện ích thuộc nhóm dịch vụ công).
Để sử dụng các tiện ích thuộc nhóm dịch vụ công như nộp hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả điện tử, biên lai điện tử, người dùng cần thực hiện nâng cấp cấp độ định danh lên mức 2 thông qua nền tảng xác thực tập trung của tỉnh (Tây Ninh ID).
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 900.000 tài khoản Zalo, đây là một trong những mạng xã hội quen thuộc đối với đa số người dân.
Với việc triển khai mini app “Tây Ninh Smart” trên nền tảng Zalo, tỉnh Tây Ninh đã góp phần đưa tiện ích công nghệ đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời giúp đơn giản hoá các bước tiếp cận và sử dụng cho người dân, bảo đảm người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều có thể sử dụng được dễ dàng. Đây là một bước đi đột phá, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc tìm kiếm thông tin và sử dụng các tiện ích chính quyền cung cấp.
Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, tính riêng trong ngày 3.3 đã có trên 2.100 người đăng ký sử dụng mini app “Tây Ninh Smart” trên nền tảng Zalo. Trước mắt, mini app sẽ tập trung những chức năng người dân thường xuyên sử dụng nhất. Sau thời gian thí điểm, với công nghệ và sự hỗ trợ từ phía Zalo, tỉnh sẽ phát triển thêm các ứng dụng khác tích hợp bổ sung khi số lượng người dân quan tâm nhiều hơn.
Hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến
Trong những năm gần đây, dịch vụ công trực tuyến không còn quá xa lạ đối với người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, am hiểu về công nghệ, song bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân chưa quen với điều này.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số”, các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đang thực hiện nhiều cách để mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các tiện ích và dịch vụ công trực tuyến của chính quyền là một trong những đột phá về chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh.
Hiện nay, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh duy trì hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền về chuyển đổi số và trực tiếp hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến tại bộ phận Một cửa. Đối với những địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng đã khẳng định vai trò, hiệu quả của các Tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở.
Điển hình tại thành phố Tây Ninh, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, năm 2022, Thành phố đã thành lập 11 tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp cho người dân doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
Các tổ chức chính trị xã hội, các phường, xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia, đăng ký cấp căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử…
Nhờ đó, tỷ lệ đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng nâng lên. Tính đến nay, thành phố và các phường, xã đã tiếp nhận các thủ tục hành chính trực tuyến thuộc danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu với trên 6.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99% và tiếp nhận 29.000 hồ sơ đăng ký dịch vụ công của Bộ Công an, đạt tỷ lệ 42%.
Trong đợt cao điểm cấp căn cước công dân gắn chip, Công an Thành phố huy động tối đa lực lượng triển khai, luỹ kế đến nay có hơn 117.000 người dân đã nhận thẻ CCCD gắn chip, hơn 15.000 trường hợp được cấp tài khoản định danh điện tử.
Mới đây, thành phố Tây Ninh đã đưa vào vận hành kênh Zalo OA Cổng hành chính công thành phố Tây Ninh nhằm tăng cường tuyên truyền và thúc đẩy tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Chị Thái Trương Phương Giang- thành viên Tổ công nghệ số phường Ninh Thạnh cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng của phường Ninh Thạnh đi vào hoạt động từ tháng 10.2022 đến nay.
UBND phường trang bị máy tính nối mạng và bàn viết hồ sơ để các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng của phường trực tiếp hỗ trợ cho người dân đăng ký tài khoản cổng dịch vụ công quốc gia, nộp hồ sơ trực tuyến. Tổ cũng tuyên truyền tới người dân về các lợi ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến và hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng Tây Ninh Smart”.
Căn cứ kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương tháng 2.2023 trên cổng dịch vụ công quốc gia, Tây Ninh đạt 54,9/100 điểm, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố.
Trước đó, trong tháng 1, Tây Ninh đạt 49,33/100 điểm, xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố. Trong tháng 2, tất cả các tiêu chí của tỉnh đều có xu hướng tăng điểm khá tốt; nhiều sở, ngành, địa phương đạt kết quả nổi bật trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến như UBND thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương… Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực của toàn tỉnh trong thúc đẩy chuyển đổi số, đưa tiện ích số, dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp.
Hải Đăng
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Nguồn tin: baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc