Hỏi: Tôi cho một người bạn mượn 20 triệu đồng nhưng không viết giấy nợ. Khi thoả thuận miệng với nhau về số tiền mượn và thời gian trả, tôi có ghi âm mà không báo cho bên mượn tiền. Xin hỏi, đoạn ghi âm trên có được xem là chứng cứ để thu hồi nợ không?
Trả lời: Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về chứng cứ trong vụ việc dân sự như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Toà án trong quá trình tố tụng hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Toà án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định chứng cứ được thu thập từ các nguồn: “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử”. Khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc xác định chứng cứ: “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó”.
Căn cứ quy định trên, có thể khẳng định đoạn ghi âm được xem là chứng cứ. Tuy nhiên, đoạn ghi âm để có thể được xem là chứng cứ nếu như bạn xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm. Người trong hội thoại phải thừa nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của họ hoặc cơ quan giám định có kết luận xác nhận giọng nói trong đoạn băng ghi âm là của người đó.
LS Nguyễn Thế Tân
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc