Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Thứ hai - 15/01/2024 16:50 382 0
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Lừa đảo trên không gian mạng là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng luôn có sự thay đổi, ngày càng tinh vi hơn, làm nhiều người “nhẹ dạ” bị mất tiền hoặc bị lộ lọt thông tin cá nhân.

Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công

Gần đây, các đối tượng xấu tiếp tục sử dụng chiêu trò làm giả biên lai chuyển tiền thành công của các ngân hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, đặc biệt là những người bán hàng. Dù lực lượng chức năng cảnh báo, vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy.

Chị N (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) kinh doanh trên mạng xã hội nên thường xuyên giao dịch bằng hình thức chuyển khoản. Cách đây không lâu, có một người khách đặt mua hàng với giá trị gần 2 triệu đồng.

Để tạo lòng tin, đối tượng gửi hình ảnh biên lai chuyển khoản thành công tiền cọc 50%. "Vì chủ quan nên tôi không kiểm tra lại tài khoản mà đóng gói đồ gửi cho khách. Sau đó, tôi phát hiện tiền vẫn chưa vào tài khoản mới biết mình đã gặp phải kẻ lừa đảo” - chị N kể.

Chị K.T (ngụ huyện Châu Thành) chia sẻ: Khoảng 3 tháng trước, có khách hàng đặt mua đồ gia dụng trị giá khoảng 3 triệu đồng và gửi hình đã chuyển khoản thành công cho chị trước 1,5 triệu đồng. “Tôi kiểm tra tài khoản nhưng không thấy nên nhắn tin hỏi khách. Người này lấy đủ lý do như kẹt mạng nên tiền chưa vào tài khoản hay lỗi hệ thống, rồi giục tôi chuyển hàng. Chờ cả ngày vẫn chưa nhận được tiền, nghi ngờ lừa đảo nên tôi đã không giao hàng cho khách. Sau đó, đối tượng đã chặn liên hệ của tôi”- chị K.T nói.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam như lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “khoá sim” vì chưa chuẩn hoá thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…); lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online…

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, gồm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, mục đích lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo làm CCCD để đánh cắp thông tin

Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook  xuất hiện các dịch vụ nhận làm giả căn cước công dân (CCCD), bằng cấp, tài liệu, giấy tờ các loại. Các bài đăng có nội dung quảng cáo thu hút người xem như nhận làm thẻ CCCD, bằng đại học, cao đẳng, bằng lái xe các loại bảo đảm phôi, tem, con dấu, chữ ký đều thật, bảo hành hư hỏng, sai sót trọn đời, giao nhận tận nhà; tuỳ vào mỗi loại bằng cấp mà có giá tiền khác nhau, dao động từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng.

Thời gian qua, cơ quan Công an đưa ra cảnh báo lừa đảo về các nội dung quảng cáo nêu trên. Cụ thể, các đối tượng yêu cầu khách đặt cọc tiền trước mới in trả thẻ; sau khi khách chuyển khoản xong thì chặn liên hệ rồi chiếm đoạt số tiền đó.

Ngoài ra, trong một vài trường hợp, các đối tượng sau khi nhận tiền đặt cọc của khách đã trả CCCD, bằng cấp giả không giống quảng cáo, có hình dạng, mẫu mã đơn giản, dễ dàng phân biệt được thẻ giả bằng mắt thường…

Trong vai một người có nhu cầu làm CCCD giả, chúng tôi liên hệ với tài khoản Facebook có tên P.H quảng cáo nhận làm giấy tờ, bằng giả các loại. Chủ tài khoản này cho biết, tuỳ vào loại giấy tờ, bằng giả mà có giá tiền khác nhau, dao động từ 1-3 triệu đồng; khách hàng chỉ cần cung cấp họ tên, địa chỉ, hình ảnh, sau một ngày sẽ có thành phẩm, chất lượng uy tín, hàng chuẩn phôi, dấu mộc, khách đặt cọc trước 50%.

Anh H.T (ngụ xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) đã không ít lần nhận được các loại tin nhắn “quảng cáo” nhận làm các loại giấy tờ giả từ nhiều số điện thoại lạ gửi đến. “Mỗi tháng, tôi nhận được khoảng 3-4 tin nhắn có nội dung như trên. Để lấy niềm tin của khách hàng, tất cả tin nhắn cam kết thủ tục nhanh, gọn, bảo đảm giống thật 100%, đặt cọc 50% chi phí”- anh T nói.

Theo Cục An toàn thông tin, mục đích của các đối tượng là tìm kiếm nạn nhân cung cấp thông tin CCCD thật để áp dụng kỹ thuật như ghép ảnh chân dung, sử dụng công nghệ cao làm giả CCCD, nhằm đăng ký mở tài khoản ngân hàng trực tuyến; qua đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt khác hoặc chiếm quyền điều khiển và khai thác dữ liệu cá nhân của nạn nhân từ hình thức trên.

Để phòng ngừa, ngăn chặn việc bị lộ, mất thông tin cá nhân trên CCCD, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân trên CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu; không chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội hay dưới bất kỳ hình thức nào.

Thiên Di

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Online

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập471
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm470
  • Hôm nay1,834
  • Tháng hiện tại93,599
  • Tổng lượt truy cập4,679,603
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây