Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng năm 2050

Thứ tư - 10/04/2024 16:15 287 0
(CTTĐTBP) - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 869/QĐ-BYT ngày 08/4/20024 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng năm 2050.
Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng năm 2050

Tại Quyết định này, Bộ Y tế nêu rõ nghề y là một nghề đặc biệt; nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Phát triển nhân lực y tế nhằm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Y tế đưa ra mục tiêu phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, có cơ cấu và phân bố hợp lý, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và một số chuyên ngành kém thu hút, khó tuyển. Đồng thời, nâng cao chất lượng chuyên môn và y đức của nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế.

Định hướng đến năm 2050, nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu của hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân.

screenshot 1712744120

Chỉ tiêu nhân lực y tế trên vạn dân

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Y tế đề ra 04 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: đào tạo đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực y tế, tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế. 

Về giải pháp đào tạo, đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường đầu tư, nâng cấp để nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, điều kiện dạy học, nhất là cơ sở thực hành. Tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho một số chuyên ngành kém thu hút và vùng khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn, giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút, khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn.

Tiếp tục thực hiện cơ chế đào tạo cử tuyển, đào tạo theo đặt hàng, đào tạo liên thông đối với một số ngành trình độ cao đẳng, đại học để đảm bảo đủ số lượng nhân lực y tế và tạo nguồn cho đào tạo sau đại học các chuyên ngành khó thu hút như: Lao, Phong, Truyền nhiễm, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức cấp cứu, Dân số, Y học cổ truyền, Y học dự phòng...

Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ tăng cường đào tạo nước ngoài đối với các lĩnh vực mà Việt Nam chưa đủ điều kiện đào tạo, để phát triển đội ngũ giảng viên; liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín, mời giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo; đầu tư nâng cấp các phòng thực hành, thí nghiệm, phát triển các trung tâm đào tạo tiền lâm sàng, trung tâm mô phỏng để đào tạo kỹ năng cho người học.

Với giải pháp về nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực y tế, Bộ Y tế chú trọng vào xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép trong các chương trình, dự án để hỗ trợ cán bộ ở vùng khó khăn tham gia đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Triển khai các mô hình hỗ trợ kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới; tư vấn, đào tạo từ xa nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cải thiện chế độ đãi ngộ tương xứng đối với các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu.

Với giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế, nội dung trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các chức danh nghề nghiệp, chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nhân lực y tế. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn khác nhau để tăng đầu tư cho các cơ sở đào tạo nhân lực y tế…

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay7,302
  • Tháng hiện tại81,595
  • Tổng lượt truy cập4,552,063
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây