Trên báo Le Paria số 4, ngày 1/7/1922, trong nguyên bản tiếng Pháp bài báo Thù ghét chủng tộc tác giả dùng hai chữ “con gái” bằng tiếng Việt (1). Trên báo L’Humanité ngày 17/8/1922, trong nguyên bản bài Dưới sự bảo hộ của… các chữ “nhà quê”, “Quan lớn”, “lính lệ” viết bằng tiếng Việt (2). Trong truyện Vi hành chữ “dân” viết bằng tiếng Việt. Đặc biệt hai chữ “nhà quê” được tác giả đều viết bằng tiếng Việt trong các văn bản tiếng Pháp. Không phải là trong tiếng Pháp không có từ tương ứng mà tác giả có dụng ý hẳn hoi. Có thể là từ ấy quen với người Pháp ở An Nam, ví dụ hai chữ “con gái” thường xuất hiện trong các bài báo tiếng Pháp là do người Pháp nuôi những thiếu nữ người Việt vừa để hầu hạ vừa làm trò chơi, họ gọi những người này bằng âm tiếng Việt. Hai chữ “nhà quê” thì mang sắc thái biểu cảm rõ ràng, trong văn cảnh cụ thể thì có thể đó là sắc thái mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc có thể là tâm trạng xót xa của người viết trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ… Sau này khi là Chủ tịch Nước Bác nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện” (3).
Đối với nhân dân nói chung Người gọi bằng hai chữ “đồng bào” thân thiết, trong giao tiếp bao giờ Người cũng nhất quán với nguyên tắc là người trong một nhà: “Thưa đồng bào thân mến. Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi “ra mắt cử tri”. Tôi trả lời: đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt?” (4). Thật chân tình gần gũi và ân nghĩa biết bao. Nguyên tắc trong giao tiếp của Người với đồng chí luôn là nguyên tắc song hành vừa là tình cảm trong nhà vừa là công việc chung, việc quốc gia.
Tuy là Chủ tịch Nước nhưng khi tiếp xúc với mọi người thì không ai nhận thấy Bác là nhà lãnh đạo, mà đó là một con người đích thực, dân giã, hòa đồng. Không hề có một khoảng cách với người dân, đấy là một phẩm chất của nghệ sĩ đích thực, vì nghệ sĩ bao giờ cũng ở giữa lòng dân. Nhà thơ Nông Quốc Chấn kể, tháng 2/1951 Bác đến Bắc Kạn. Mấy hàng dây chăng ngang dọc trước lễ đài sắp đứt vì đồng bào chen lấn xem Bác. Bác nói với bảo vệ: “Các chú dỡ hàng dây ngăn này đi!”. Miệng nói tay làm, Bác nhổ hai cọc trước mặt, quần chúng liền tiến vào sát Bác” (5). Ngày 6/1/1946 Bác về thăm làng An Thái (phường Bưởi - Hà Nội). Một cụ già mặc áo nâu, lưng còng, tóc bạc phơ, tay chống gậy tre lập cập từ ngõ trong ra. Thấy Bác, cụ xúc động làm rơi chiếc gậy xuống đường. Thấy vậy Bác Hồ cúi xuống cầm chiếc gậy ân cần đưa tận tay cụ” (6). Thấy lao công quét rác suốt đêm, Bác ra nước ngoài xin một giống cây mà Bác gọi là “cây xanh bốn mùa”. Về nước Bác trao gói giống cho người phục vụ và dặn “Đây là loài cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả cho người lao công quét đường” (7). Tình thương người, tình yêu nhân loại cần lao luôn là bệ phóng để cho tâm hồn nghệ sĩ thăng hoa, cất cánh; luôn là chất men nồng để chưng cất thành thứ rượu nghệ thuật tinh khiết, đậm đà.
Đối với dân chúng Pháp, Mỹ và binh lính Pháp, Mỹ vì phải nghe lệnh bọn thực dân đế quốc mà phải cầm súng đi xâm lược, Người gọi họ là “các bạn”: “Dân chúng Pháp... Chúng tôi yêu chuộng các bạn, và muốn thành thực hợp tác với các bạn trong khối Liên hiệp Pháp...
Binh lính Pháp... Giữa các bạn và chúng tôi, không có thù ghét gì cả...”(8).
NGƯỜI CÁCH MẠNG PHẢI LÀM "ĐÀY TỚ" CHO DÂN
Trước hết phải gần dân. Ngày 21/7/1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh lấy cách ngôn của đạo Khổng, coi đó là “hạt nhân” của đạo đức cách mạng: “Những điều các bạn nghiên cứu được ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả.
Theo ý riêng của tôi, thì hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Nói tóm tắt, minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết” (9).
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại ý ấy, gắn cách ngôn này với mục đích vì dân của Đảng ta: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau… Chắc các đồng chí đều hiểu câu: “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu” (10). Người nhắc nhở cán bộ qua những hình tượng cụ thể nhất: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân” (11).
Câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, có nghĩa là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ là câu của Phạm Trọng Yêm đời Tống đánh giá về Đỗ Phủ, được người đời sau coi đó là một phẩm chất của người quân tử. Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, phẩm chất người cách mạng không đồng nhất nhưng thống nhất với quan niệm vị tha của đạo Khổng Mạnh.
Phải thương dân. Mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tuyên bố đường lối chính nghĩa “yên dân”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Hồ Chí Minh tiếp thu đạo lý lớn lao ấy của Nguyễn Trãi: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ bị áp bức” (12). Từ quan niệm coi con người cao hơn tất cả mà nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh rất trọng hoà bình. Khi cả nước chuẩn bị phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm...” (13). Rõ ràng để trở thành nhà quân sự kiệt xuất là ngoài ý muốn của Người, không hề muốn chiến tranh, nhưng cần thiết thì Người cùng cả dân tộc buộc phải cầm súng để giành độc lập, tự do để cho xứ sở này luôn tràn ngập ánh trăng hoà bình như trong những áng thơ của Người vậy.
Khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh thì trong quan niệm của Người là làm sao để tránh được tổn thất cả cho ta cả cho địch. Từ quan niệm thực sự nhân văn này đã hình thành một chiến lược quân sự đánh địch “chủ trương bằng mưu, không dùng đến binh mà thắng được địch nhân”. Tư tưởng của Người ở ngày hôm nay vẫn đậm tính thời sự, không chỉ phù hợp với chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng ta mà còn phù hợp với xu thế chung của bối cảnh toàn cầu hoá, con người ở mọi quốc gia hiểu biết nhau, gần gũi, thân thiện nhau hơn: “Phép dùng binh, giữ toàn nước địch mà ta thắng lợi là khéo nhất. Phá tan nước địch chỉ là khéo thứ hai. Giữ toàn quân đội địch mà ta thắng, là khéo nhất. Phá tan quân đội địch mà ta thắng, chỉ là khéo thứ hai.
Cho nên đánh hơn trăm trận, không phải là giỏi nhất. Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua.
Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất” (14). Như vậy điểm quan trọng nhất trong phép dùng binh được Người đánh giá “khéo nhất”, “giỏi nhất” mà là “không phải đánh mà quân địch phải thua”. Ba mảnh đoạn này cấu trúc theo lối nhân quả, hai mảnh đoạn đầu thực ra chỉ là một nguyên nhân, sự có mặt của tất cả các câu trên để dồn vào ý câu cuối: Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua. Từ nguyên nhân ấy dẫn đến kết quả: “Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh”. Đánh bằng mưu là đánh như thế nào? Là kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông: Mưu phạt tâm công. Xét đến cùng như thế cũng là vì trọng dân, thương dân, không muốn dân đổ máu.
Phải tin dân. Nhà văn Đặng Thai Mai kể, năm 1946, khi nhóm chuẩn bị bản Dự thảo Hiến Pháp trình Bác, Bác hỏi xem có ai thắc mắc gì không, Đặng Thai Mai thưa: “Không biết chúng ta ban bố quyền bầu cử cho toàn dân có sớm quá không? Dân chúng ta hiện giờ người mù chữ còn tới 80, 90%”. Bác cười, giơ ngón tay chỉ vào tôi, nói: “Chú là người thảo hiến pháp mà không khéo lại phản động đấy, người cách mạng trước hết phải tin vào nhân dân” (15). Cuối năm 1963, đồng chí Dương Bá Nuôi, cán bộ Quân khu Trị-Thiên-Huế ra báo cáo tình hình cho Bác. Người hỏi đi bằng đường nào. Đồng chí nói đi đường núi, vì đi đường đồng bằng không an toàn. Bác ngạc nhiên: “Làm cách mạng mà đi trong dân lại không an toàn à? Đi trong dân mới ăn chắc!” (16). Đấy là quan điểm gần dân, thân dân, coi dân như ruột thịt. Thế cho nên chúng ta thấy Bác luôn yêu cầu nghệ sĩ phải luôn hướng về cuộc sống. Nhà văn Vũ Ngọc Phan thuật lại việc một lần đi thăm Triển lãm hội hoạ, Bác nói: “Các chú viết và vẽ thì phải chú ý đến công nông, phải viết về công nông, vẽ về công nông” (17). Ngày 1/7/1947 gửi thư cho thi sĩ Huyền Kiêu sau khi nhận được bản trường ca Hồ Chí Minh - tinh hoa dân tộc do nhà thơ gửi tặng, Bác Hồ viết: “Tôi đã nhận được bản trường ca của chú với nội dung cổ vũ đồng bào và chiến sỹ ta hăng hái kháng chiến… Thế là rất tốt” (18).
Bác Hồ có một niềm tin tuyệt đối vào dân vì tìm thấy ở họ những vẻ đẹp tuyệt vời, bền vững nhất. Ngày 1/5/1966, sau khi xem Đoàn văn công Quảng Bình biểu diễn, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Nhân dân ta thật anh hùng. Chiến đấu ác liệt như thế, gian khổ như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được” (19).
Hai chữ “đày tớ” được Người dùng 65 lần (thống kê trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập) là một từ ghép, chỉ người phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành. Từ này thì ai cũng hiểu vì đã trở nên quen thuộc trong truyện cổ dân gian, trong tục ngữ ca dao và cả trong đời thường nên được tác giả sử dụng để nói về bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của người cách mạng phục vụ vô điều kiện, tuyệt đối trung thành với nhân dân: “Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài” (20). Bác mượn lời Lỗ Tấn để nhắc nhở cán bộ: “Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ: “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ/ Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”. Xin tạm dịch là: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân” (21). Trong Sửa đổi lối làm việc Bác Hồ vạch ra 6 vấn đề lớn mang tính cấp thiết, cấp bách với thời điểm ấy, nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự với ngày hôm nay: I. Phê bình và sửa chữa; II. Mấy điều kinh nghiệm; III. Tư cách và đạo đức cách mạng; IV. Vấn đề cán bộ; V. Cách lãnh đạo; VI. Chống thói ba hoa. Trước hết là phải “phê bình” tìm ra “khuyết điểm rất to” để “thiết thực học tập, sửa chữa” với mục đích “tẩy sạch” khuyết điểm cho “công việc mới có thể tiến bộ”. Muốn vậy phải căn cứ, phải dựa vào thực tế nên tiếp theo tác giả đi sâu vào “II. Mấy điều kinh nghiệm”. Không hề là “kinh nghiệm chủ nghĩa” mà thực sự biện chứng, phải soi vào cuộc sống thực tế để thấy được những điều hay dở mà “sửa đổi”...
“Khuyết điểm rất to” được tác giả chỉ ra ở ngay hai dòng đầu tiên là “xao nhãng việc học tập”. Đây là nguyên nhân “mẹ” đẻ ra biết bao các khuyết điểm “con”, do vậy phải “đột phá” vào nó tìm cách làm để sửa, phải có “tổ chức”, có “thời gian học tập”, “tài liệu học tập”, “cách thức học tập”, “cách phê bình”, “kiểm tra”, “báo cáo”. Soi lý luận dạy học hiện đại của ngày hôm nay vào đó sẽ thấy đây là một mô hình khoa học đầy đủ, trọn vẹn nhất của một quá trình học tập không chỉ của một tổ chức, một tập thể, còn là của cá nhân.
Với Đảng thì ba khuyết điểm tức “ba chứng bệnh rất nguy hiểm” là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Mỗi bệnh đều được tác giả tìm ra nguyên nhân tức là cách “bắt bệnh” để có thuốc chữa, như bệnh chủ quan là do “kém lý luận hoặc khinh lý luận hoặc lý luận suông”. Vì lý luận chỉ phương hướng cho người đi nên cái nguy hiểm của căn bệnh này, là sẽ “lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Lý luận phải được áp dụng vào công việc còn lý luận chay, lý luận suông thì chẳng ý nghĩa gì cả.
Nguyễn Trãi yêu cầu “phàm người có chức vụ coi quân trị dân... đối dân tận hoà, bỏ thói tham ô, trừ tệ lười biếng; bè đảng riêng tây phải bỏ, thái độ cố phạm phải chừa, coi công việc của quốc gia làm công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo của mình”. Bác Hồ, ngay từ những ngày đầu giải phóng đã đề ra nhiệm vụ “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (22). Để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, Bác Hồ yêu cầu cán bộ phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người từng lên tiếng báo động: “Đề phòng hủ hoá... có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán...” (23). Người đề ra một tiêu chuẩn của người cách mạng là “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ”, học Nguyễn Trãi, Bác Hồ cũng dạy cán bộ “không lợi dụng danh nghĩa Uỷ ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình” (24).
Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ thì cán bộ, đảng viên phải đi trước để làm tấm gương cho dân học và làm theo!/.
PGS. TS. NGUYỄN TUYẾT THU
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Ý kiến bạn đọc