TÌM HIỂU LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Thứ sáu - 20/09/2019 00:00 230 0
TÀI LIỆU HỎI – ĐÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

1. Hỏi: Chất ma túy là gì?

Đáp: Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

2. Hỏi: Luật Phòng, chống ma túy nghiêm cấm các hành vi nào?

Đáp: Luật nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Trồng cây có chứa chất ma túy.

2. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

3. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

4. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.

5. Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có.

6. Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy.

7. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

9. Các hành vi trái phép khác về ma túy.

3. Hỏi: Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của ai?

Đáp: Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống ma túy thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

4. Hỏi: Cá nhân, gia đình có trách nhiệm gì trong phòng, chống ma túy?

Đáp: Cá nhân, gia đình có trách nhiệm sau:

1. Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma túy.

2. Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh.

3. Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma túy của thân nhân và của người khác.

4. Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

5. Phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

6. Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

5. Hỏi: Người tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy được bảo vệ và giữ bí mật như thế nào?

Đáp: Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật; nếu bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù.

Trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

6. Hỏi: Người nghiện ma túy có trách nhiệm gì?

Đáp: Người nghiện ma túy có trách nhiệm sau:

1. Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy.

2. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

6. Hỏi: Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm gì?

Đáp: Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm sau:

1. Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;

2. Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã;

3. Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;

4. Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

7. Hỏi: Cai nghiện ma túy gồm các biện pháp và hình thức gì?

Đáp: Các biện pháp cai nghiện ma túy gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc.

Các hình thức cai nghiện ma túy gồm: Cai nghiện ma túy tại gia đình; cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

8. Hỏi: Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với các trường hợp nào?

Đáp: Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với người tự nguyện cai nghiện, trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện.

Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười hai tháng.

9. Hỏi: Hình thức cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc được áp dụng đối với các trường hợp nào?

Đáp: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.

Người nghiện ma túy tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.

10. Hỏi: Hình thức cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc có áp dụng cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không?

Đáp: Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

Việc cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy này không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.

11. Hỏi: Trong thời gian cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy có trách nhiệm gì?

Đáp: Trong thời gian cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy có trách nhiệm tuân thủ nội quy và chịu sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện bắt buộc; lao động, học tập, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần đảm bảo đời sống trong thời gian cai nghiện.

12. Hỏi: Hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép;

b) Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;

c) Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện mình quản lý;

b) Môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc các chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cung cấp trái pháp luật địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;

c) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất ma túy;

d) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất ma túy;

đ) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất ma túy;

e) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

7. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

13. Hỏi: Người phạm tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Người phạm tội thuộc các trường hợp sau đây, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

1. Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

2. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

3. Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

14. Hỏi: Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

15. Hỏi: Người phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

16. Hỏi: Người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

17. Hỏi: Người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

18. Hỏi: Người phạm tội chiếm đoạt chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

19. Hỏi: Người phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

20. Hỏi: Người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

21. Hỏi: Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

22. Hỏi: Người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 02 năm đến 15 năm; có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

23. Hỏi: Người phạm tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy  thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

24. Hỏi: Người phạm tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

25. Hỏi: Người phạm tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần thì bị xử phạt như thế nào?

Đáp: Người phạm tội này tùy từng trường hợp cụ thể bị xử phạt như sau:

- Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay3,667
  • Tháng hiện tại100,811
  • Tổng lượt truy cập4,437,712
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây