Cho rằng thời điểm hiện nay tỉnh vẫn sử dụng một số ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày), Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: Tây Ninh cần hướng tới cải tiến công nghệ, quản trị, hướng tới "Xanh hóa." Tiếp tục chuyến công tác tại Đông Nam Bộ, sáng 3/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh.
Tham dự có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội: Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế , Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp…
Tại buổi làm việc, các đại biểu xem video clip báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm trình bày các đề xuất, kiến nghị của tỉnh; trong đó có Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 2)...
Cho rằng thời điểm hiện nay tỉnh vẫn cần sử dụng một số ngành thâm dụng lao động (dệt may, da giày), Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Tây Ninh cần hướng tới cải tiến công nghệ, quản trị, hướng tới "xanh hóa". Tỉnh cần hướng tới ngành công nghệ cao, bởi đây không chỉ là hướng đi riêng của Tây Ninh mà của cả nước.
Tây Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm trên trục đường Xuyên Á, cửa ngõ đường bộ lớn nhất phía Nam kết nối Việt Nam với Campuchia và các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Tỉnh có tiềm năng rất lớn để trở thành điểm kết nối của hệ thống giao thương quan trọng quốc gia với quốc tế, trở thành hình ảnh đối ngoại của quốc gia ở phía biên giới Tây Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Tây Ninh đẩy nhanh kết nối hạ tầng, phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh kết nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài với cao tốc Phnom Penh - Bavet. Việc kết nối hai cao tốc này làm cho dư địa phát triển của Tây Ninh rất tốt, "đây là con đường phát triển của Tây Ninh", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Cùng với đó, với hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh có lợi thế về mặt tài nguyên nước. Tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai bằng phẳng phù hợp cho việc trồng trọt, nhất là cây công nghiệp lâu năm...
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh cần có chương trình, kế hoạch để triển khai Quy hoạch tỉnh, đây chính là "hồn cốt" của Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII trên tinh thần tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo "3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội" với 7 đột phá (phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ).
Chủ tịch Quốc hội đồng ý tỉnh Tây Ninh phối hợp với Trung ương xây dựng đề án liên quan đến xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện đại, xanh và bền vững; đề án phát triển Khu Du lịch Quốc gia Núi Bà Đen đặc sắc và mang đẳng cấp quốc tế, trên cơ sở phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng đề án phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản trong kết nối kinh tế biên mậu với Campuchia; đẩy nhanh kết nối hạ tầng với các địa phương trong vùng và với nước bạn Campuchia; thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới, bẫy "việc nhẹ lương cao"…
Tỉnh tập trung phát triển đô thị, cùng các bộ, ngành liên quan làm rõ nội hàm thế nào là trung tâm thương mại quốc tế và trung tâm luân chuyển hàng hóa, kết nối logicstics để triển khai; gắn phát triển đô thị với kinh tế đô thị.
*Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã đến Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi 82 (huyện Tân Biên) dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc