Ngày 9.1.2024, UBND tỉnh có văn bản gửi Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị, thành phố về việc “thu học phí tạm thời đối với cơ sở giáo dục công lập, năm học 2023-2024”. Theo tinh thần này, UBND tỉnh thống nhất đề xuất của Sở GD&ĐT tại Tờ trình số 23, ngày 2.1.2024 về việc tạm thời thu học phí học kỳ I và học kỳ II đối với cơ sở giáo dục công lập bằng với mức thu học phí năm học 2021-2022 đã được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 45, năm 2016.
Tiếp đó, ngày 11.1.2024, Sở GD&ĐT có văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh, giám đốc trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc hướng dẫn công tác thu, sử dụng học phí năm học 2023-2024 của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Sau khi dẫn căn cứ (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP), lãnh đạo Sở GD&ĐT nêu rõ, thực hiện Công văn số 61/UBND-KGVX ngày 9.1.2024 của UBND tỉnh về việc thu học phí tạm thời đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT hướng dẫn công tác thu, sử dụng học phí năm học 2023-2024 của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cụ thể:
Mức thu học phí năm học 2023-2024
Mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp năm học 2023-2024 đối với cơ sở giáo dục công lập mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: thực hiện tạm thu theo mức thu học phí bằng mức thu học phí năm học 2021-2022, cụ thể như sau:
(Đơn vị tính: 1.000 đồng/học sinh/tháng)
Chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập
Thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và chính sách khác đã ban hành.
Trích tạo nguồn cải cách tiền lương
Thực hiện theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 4 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14.5.2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
Đối với các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định).
Đối với các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Công khai khoản thu, tổ chức thực hiện
Văn bản của Sở GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục công lập thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản mức thu học phí đến phụ huynh học sinh.
Cơ sở giáo dục thực hiện công khai mức thu học phí, phương thức và thời gian thực hiện theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15.6.2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán, ngân sách Nhà nước hỗ trợ; Thông tư số 90/2018/TT-BTC ngày 28.9.2018 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15.6.2017 của Bộ Tài chính và Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28.12.2017 của Bộ GD&ĐT về ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản liên quan khác.
Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản và giải trình với phụ huynh, người học về mức thu học phí do mình quyết định.
Các cơ sở giáo dục công lập đã tạm thu học phí theo mức quy định Nghị quyết số 52/2023/NQ-HĐND ngày 20.7.2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, phải hoàn trả cho học sinh khoản chênh lệch so mức thu tại Khoản 1 văn bản này (nếu có), đồng thời phải có báo cáo cơ quan quản lý cấp trên kết quả thực hiện việc hoàn trả trước ngày 25.1.2024.
Bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu học phí, phát hành biên lai, hoá đơn thu cho từng học sinh theo đúng quy định, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền; thực hiện theo dõi, ghi sổ kế toán đầy đủ kịp thời các khoản thu phát sinh tại đơn vị bảo đảm đúng chế độ tài chính, kế toán hiện hành.
10 năm không tăng học phí
Thông tin nêu trên cho thấy, học phí năm học 2023-2024 vẫn thu theo mức cũ, áp dụng từ năm 2016. Cần nhắc lại, căn cứ Nghị định 86, ngày 9.12.2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 45 quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II, năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Sau khi có Nghị quyết 45, ngày 29.12.2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 73 về việc quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Quyết định 73 chia học phí thành bốn mức, cụ thể như sau: học sinh mầm non từ 30.000-60.000 đồng/tháng; học sinh trung học cơ sở từ 35.000-65.000 đồng/tháng; học sinh trung học phổ thông từ 40.000-70.000 đồng/tháng. Mức học phí này áp dụng đến hết năm học 2020-2021, từ năm học 2021-2022 trở đi thu theo mức mới quy định trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ.
Hầu hết HĐND các tỉnh, thành trong toàn quốc đã xây dựng xong mức thu học phí cũng như các chế độ miễn, giảm, hỗ trợ học tập theo Nghị định 81. Nhưng, cho đến nay, Nghị định 81 chẳng những chưa được áp dụng mà còn phải sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 97. Dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống người dân đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, là nguyên nhân chính khiến cho chế độ học phí mới theo Nghị định 81 chưa triển khai trên thực tế. Đến năm học 2025-2026, mức thu học phí theo Nghị định 86 năm 2015 tròn 10 năm, không tăng học phí bậc học mầm non, phổ thông.
Việt Đông
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc