Trao bò thuộc Ngân hàng bò cho các hộ nghèo
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ Thành phố, hiện nay, Hội đang duy trì thực hiện 2 mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hội viên khó khăn. Thứ nhất là mô hình bò sinh sản của Hội Chữ thập đỏ Thành phố thực hiện từ năm 2007 duy trì đến nay 36 con có trị giá 972.000.000 đồng. Năm 2015, Hội đã xét hợp đồng hỗ trợ nuôi mới 31 con cho các hội viên chữ thập đỏ, gia đình tình nguyện viên hiến máu nhân đạo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, hộ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cải thiện cuộc sống. Từ đó, tính trong năm 2015, thu nhập từ bán bò sinh sản là trên 390 triệu đồng. Năm 2016, thu nhập từ bán bò sinh sản là 351 triệu đồng, giúp cho những hộ nghèo có thêm thu nhập, có hộ vươn lên thoát nghèo.
Như hộ anh Nguyễn Thanh Tốt, sinh năm 1978, ngụ khu khố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh.
Anh là một trong những hội viên được hỗ trợ bò sinh sản đợt đầu tiên từ năm 2007. Từ sự hỗ trợ của Hội cộng với sự chí thú làm ăn, chịu thương chịu khó của anh, từ con bò ban đầu, gia đình anh phát triển đàn bò có lúc lên 6 con. Tiền tích lũy từ bán bò và thêm công việc đi làm thuê, ngoài việc trang trải chi phí sinh hoạt, gia đình anh còn dành dụm xây được căn nhà mới trị giá trên 100 triệu đồng, ổn định nơi ở.
Ông Lâm Minh chăm sóc đàn bò rất chu đáo
Hay như hộ của ông Lâm Minh, sinh năm 1965, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Gia đình ông nhận bò từ năm 2012, con bò đã đẻ được 3 lứa, hỗ trợ thiết thực cho gia đình ông trong lúc túng quẫn. Ông rất vui vì trong lúc gia đình không có đất sản xuất, chủ yếu đi làm mướn thì được Hội Chữ thập đỏ Thành phố hỗ trợ con bò. Nhờ ông chăm sóc chu đáo, con bò luôn khỏe mạnh, mập mạp.
Ông Nguyễn Văn Nùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Tân cho biết: chương trình ngân hàng bò này rất có ích cho những hộ hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Khi bò sinh sản thì sẽ có nguồn thu nhập, để giúp cho gia đình trong lúc hoàn cảnh khó khăn.
Theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố Tây Ninh, mô hình này được lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh đánh giá cao vì tính thiết thực, hiệu quả mà nó mang lại, không chỉ giúp các hộ có cơ hội cải thiện kinh tế gia đình mà còn tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.
Với Chương trình Ngân hàng bò, bắt đầu triển khai từ cuối năm 2014, hiện Hội Chữ thập đỏ Thành phố đang duy trì 10 con bò sinh sản trợ giúp người nghèo trị giá 250.000.000 đồng. Đến năm 2016 có hai con bê con đã ra đời, Hội đã chuyển giao hai con bê con này cho hộ hội viên nghèo nuôi dưỡng.
Qua đó cho thấy, hiệu quả từ việc thực hiện các mô hình hỗ trợ bò sinh sản của Hội Chữ thập đỏ Thành phố. Không những Hội thực hiện việc hỗ trợ cho hộ hội viên nghèo mà còn mở rộng ra những đối tượng khó khăn khác đã giúp họ có phương kế sinh nhai, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc