Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2023)

Thứ bảy - 23/09/2023 11:25 535 0
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra trong lịch sử dân tộc bước ngoặt lớn, đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Song không lâu sau đó, cách mạng nước ta đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng, phải đối đầu với nguy cơ đe dọa sự tồn tại của mình.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2023)

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình khẩn cấp, ngay ngày 23 tháng 9 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng tại Cây Mai (Chợ Lớn). Hội nghị phân tích âm mưu của thực dân Pháp và chủ trương phát động nhân dân Nam Bộ kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Cũng trong ngày hôm đó, qua làn sóng điện, Trung ương Đảng chỉ thị cho Xứ ủy Nam Bộ về chủ trương kháng chiến chống Pháp. Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi và cổ vũ cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam.

Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương tinh thần chiến đấu và thể hiện lòng tin của mình đối với đồng bào Nam Bộ: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ". Với "lòng kiên quyết ái quốc", ngay chiều cùng ngày, đồng bào Nam Bộ đã vùng lên tiến hành nhiều hoạt động đấu tranh với thực dân Pháp, tiêu biểu là cuộc đấu tranh không hợp tác với địch của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Chợ ngừng họp, xe cộ ngừng chạy, các hiệu buôn, nhà máy đóng cửa, điện, nước bị cắt, các kho tàng của địch bị đánh phá, tàu Pháp vừa cập bến cảng Sài Gòn bị đốt cháy. Quân giặc nhiều lần tiến ra phía cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè đều bị chặn lại. Không những thế, lực lượng vũ trang và bán vũ trang cùng toàn thể đồng bào đã dũng cảm chiến đấu đánh trả bọn xâm lược với tất cả vũ khí có trong tay làm cho địch lâm vào tình trạng khốn đốn, sống thiếu điện nước, không được tiếp tế, luôn bị tập kích tiêu hao, tiêu diệt và bị vây hãm.

Ngày 21 tháng 11 năm 1945, Hội nghị quân sự họp tại xã An Phú (Gia Định) quyết định việc phân chia chiến trường, xây dựng căn cứ địa, rút kinh nghiệm trong chiến đấu và bàn cách đánh địch trong tình hình mới.

Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc". Chỉ thị nhận định những thay đổi căn bản của tình hình thế giới và trong nước sau chiến tranh thế giới thứ hai, nêu rõ những thuận lợi căn bản và những thử thách lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà nhân dân ta đang tiến hành. Chỉ thị đề ra các biện pháp trên những mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, xây dựng Đảng, mở rộng Mặt trận Việt Minh và Mặt trận thống nhất Việt Nam - Lào - Campuchia để hoàn thành các nhiệm vụ của cuộc kháng chiến.

Đảng đã dành hẳn một phần quan trọng trong Chỉ thị để nêu lên những chủ trương, đường lối tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp ở phía nam vĩ tuyến 16. Chỉ thị đánh giá những thuận lợi và khó khăn của cả ta và địch, nêu lên "nhiệm vụ chiến thuật là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự… Phải phát động chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động nhân dân thi hành chính sách bất hợp tác" 2 với giặc. "Điều cốt tử là phải giữ vững liên lạc giữa các chiến khu để thống nhất chỉ huy… Các vùng chiến tranh chưa lan đến cũng phải chuẩn bị đối phó… kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui cũng phải hết sức chu đáo".

Như vậy, Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" (25/11/1945) đã giải quyết được các vấn đề cơ bản trước mắt cũng như lâu dài mà cuộc cách mạng đang đặt ra. Tư duy linh hoạt, sáng tạo, đúng đắn của Trung ương Đảng trong lãnh chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng thể hiện rất rõ qua việc nêu cao cùng lúc hai ngọn cờ: kháng chiến và kiến quốc. Kháng chiến là chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập của dân tộc và kiến quốc là xây dựng đất nước hưng thịnh, xây dựng chế độ xã hội mới nhằm bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân. Bản Chỉ thị góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối kháng chiến toàn quốc sau này.

Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ được sự quan tâm và giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng và nhân dân cả nước. Đảng đặc biệt chăm lo việc động viên cả nước hướng về miền Nam ruột thịt đang chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ trở thành một cuộc vận động chính trị rộng lớn và hết sức sôi nổi. Các Ủy ban ủng hộ kháng chiến được thành lập khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã có những chi đội (tương đương trung đoàn) Nam tiến rầm tập lên đường vào Nam giết giặc.

Tháng 12 năm 1945, Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam được thành lập tiếp tục lãnh đạo nhân dân toàn miền kháng chiến theo phương châm toàn dân kháng chiến và kháng chiến lâu dài. Sau đó, Ủy ban kháng chiến các cấp cũng được thành lập trên khắp miền Nam. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban kháng chiến, sự ủng hộ giúp đỡ của Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc, đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc chúng phải đàm phán với chính phủ cách mạng.

Gần 78 năm trôi qua, tinh thần ngày 23/9 vẫn âm vang mãi. Đó là âm vang của Nam Bộ thành đồng giàu lòng vì nước thề quyết chống quân ngoại xâm. Đó là tiếng chân của những đoàn quân Nam tiến nghe theo tiếng kêu sơn hà nguy biến sẵn sàng xả thân vì nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đồng sức đồng lòng "Xây giang san hạnh phúc muôn đời. Nền độc lập khắp nước Nam" như lời bài hát Nam Bộ kháng chiến của cố nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.

Quốc An

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: svhttdl.tiengiang.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay4,009
  • Tháng hiện tại78,302
  • Tổng lượt truy cập4,548,770
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây