Tại buổi hội thảo, tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức cấp cứu Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, cấp cứu hồi sinh tim-phổi là cấp cứu khẩn cấp có thể xảy ra bất kỳ nơi nào, có thể trên đường phố, công trường, bãi biển, tại gia đình và cả trong bệnh viện. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp cấp cứu hồi sinh tim-phổi được thực hiện thiếu chuyên nghiệp hoặc không đúng phương pháp, dẫn đến khả năng cứu sống bệnh nhân không cao; do đó, đây là vấn đề được giới thầy thuốc lâm sàng rất quan tâm.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc Bệnh viện 115 TP. Hồ Chí Minh
xem kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực của một bác sĩ tham gia tại buổi hội thảo
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quốc Huy, có 3 sai lầm trong cấp cứu hồi sinh tim-phổi, đó là tổ chức công việc cấp cứu chưa tốt, bỏ phí nhiều thời gian vào những việc không cần thiết và thực hiện kỹ thuật cấp cứu không đúng. Nguyên nhân do hiện nay công tác cấp cứu hồi sinh tim-phổi chưa được coi trọng đúng mức, cán bộ quản lý, nhân viên ngành y tế không được huấn luyện bài bản chuyên sâu, thiếu trang thiết bị trong huấn luyện và dụng cụ phục vụ cấp cứu, người dân thiếu kiến thức tổi thiểu về kỹ năng cấp cứu cơ bản. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để cải thiện, nâng cao hiệu quả trong công tác cấp cứu hồi sinh tim-phổi, tăng cường huấn luyện cấp cứu trong cộng đồng, huấn luyện đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng. Đơn giản hóa quy trình cấp cứu, trang bị đủ dụng cụ cấp cứu hồi sinh tim-phổi cho ngành y tế.
Cũng tại buổi hội thảo, nhiều y, bác sĩ tỉnh nhà tham gia thảo luận, chia sẻ những tình huống liên quan đến công tác cấp cứu hồi sinh tim-phổi tại đơn vị và được tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quốc Huy tư vấn, giải đáp.
NQ
Ý kiến bạn đọc