Phường 1, thành phố Tây Ninh: Rộn ràng lễ Ramadan của người Hồi giáo

Thứ sáu - 29/03/2024 10:11 263 0
Năm nay, từ ngày 12.3 là bắt đầu tháng Ramadan của người Hồi giáo. Trong 30 ngày này, các tín đồ đạo Hồi thực hành nghi thức nhịn ăn, nhịn uống vào ban ngày.
Một bữa ăn “xả chay” của tín đồ Hồi giáo (Islam) tại khu phố 2, phường 1

Khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh là nơi tập trung sinh sống của khoảng 90 hộ với trên 360 đồng bào dân tộc Chăm, theo tín ngưỡng Hồi giáo (Islam). Những ngày này, cùng với các tín đồ Hồi giáo thế giới nói chung, ở khu phố 2 nói riêng bắt đầu bước vào tháng Ramadan.

Lễ Ramadan của đồng bào Chăm khu phố 2 rộn ràng và dễ nhận ra nhất là vào buổi chiều, tại thánh đường của tôn giáo. Nơi đây, mọi người cùng đến thực hiện các nghi lễ 5 lần trong một ngày đêm; và là nơi để cùng thực hiện lễ Ramadan. 

Việc “nhịn ăn” được bắt đầu từ khoảng 4 giờ 30 sáng. Các gia đình sẽ dậy từ 3 giờ 30 phút sáng để nấu nướng, chuẩn bị thức ăn. Đến 4 giờ, các thành viên trong nhà cùng dùng bữa sáng trong ngày. Mọi người sẽ ăn no và “trữ” cho mình đủ lượng nước trong ngày, vì đến mãi sau 18 giờ, mọi người mới được uống nước và ăn bữa thứ hai, còn gọi là bữa “xả chay” sau một ngày.

Bữa cơm thứ hai, tuỳ theo mỗi gia đình- có thể tự nấu hoặc đến xin thức ăn tại nhà bếp của thánh đường. Nơi đây, từ khi bắt đầu bước vào tháng Ramadan, có những bữa ăn tập thể do bà Thị Khoa Ti Ma (50 tuổi) và người em họ A Si Giá (40 tuổi) nấu.

Khoảng 14 giờ mỗi ngày, hai đầu bếp chính sẽ đến nhà ăn của thánh đường chuẩn bị nấu nướng. Bà Thị Khoa Ti Ma hằng ngày bán thức ăn sáng cho bà con trong xóm. Riêng tháng Ramadan, mọi người nhịn ăn, bà không có nhiều việc làm nên đảm nhận việc nấu ăn cho các gia đình.

Cùng cầu nguyện trước khi bắt đầu bữa ăn cuối ngày

Thực đơn hằng ngày luôn là món cháo. “Nhịn đói cả ngày, ăn cháo cho dễ tiêu hoá. Trước đây cũng có lần tôi nấu hủ tiếu nhưng mọi người không thích, vẫn muốn ăn cháo” - bà Thị Khoa Ti Ma giải thích. Để mọi người không bị ngán, mỗi ngày, bà Thị Khoa Ti Ma đều thay đổi thành phần món ăn: hôm thì bà nấu cháo gà, hôm nấu cháo thịt bò…  Tiền đi chợ và gạo nấu cháo được các mạnh thường quân đóng góp. “Mỗi ngày trung bình chi khoảng 1,2 triệu đồng tiền chợ mua thịt, làm nước uống. Gạo có người cho sẵn ở kho đây, mỗi ngày nấu khoảng 20 kg”- bà Thị Khoa Ti Ma cho biết.

Cháo được nấu thành hai nồi. Nồi to dành phục vụ cho cả xóm. Nồi nhỏ sẽ dành để mọi người đến thánh đường tập trung ăn cùng nhau.

Đến khoảng 4 giờ chiều, các gia đình trong xóm sẽ đi cửa sau, vào khu nhà bếp của thánh đường để xin cháo về ăn. Mỗi người mang một vật để đựng, tuỳ vào số lượng thành viên gia đình mà xin nhiều hay ít. Bà Thị Ly Ma- năm nay 75 tuổi- cho biết, nhà bà có 6 người. Bà đến xin cháo về ăn lót dạ, nhưng cũng có nấu thêm cơm ở nhà để ăn cho vững bụng. “Xin cháo về sẽ ăn trước cho bao tử quen dần. Sau đó, tầm 1 tiếng nữa mới ăn cơm”- bà Ly Ma nói.

Mọi người đến xin cháo từ sớm, nhưng phải đến 6 giờ, khi tiếng trống ở thánh đường vang lên lần thứ nhất, mọi người mới bắt đầu được “xả chay” trong ngày. Đa phần, phụ nữ, trẻ em sẽ ăn buổi chiều tại nhà; còn đàn ông sẽ tập trung về khu nhà ăn của thánh đường để cùng nhau ăn uống.

Chị A Si Giá sau khi đã phụ nấu hai nồi cháo, bắt đầu ngồi đâm đậu đũa trộn cùng với thơm. “Đậu đũa đâm nát ra, thơm cũng được đâm nhuyễn, sau đó cho chút muối vào. Đây là món ăn được mọi người dùng kèm với cháo”- chị A Si Giá cho biết.


Sau khi “xả chay”, mọi người đến thánh đường làm lễ

Dù bận rộn suốt cả tháng, nhưng chị A Si Giá không thấy vất vả cực nhọc, ngược lại, còn thấy rất vui. Chị chia sẻ: “Tháng này là tháng vui nhất. Tháng này là tháng để mọi người làm phước”. Bà Thị Khoa Ti Ma cũng vậy, công việc bận rộn từ nhà đến thánh đường, nhưng bà vẫn thấy vui. Bà nói: “Tháng này là tháng thiêng liêng. Tháng này, cầu gì cũng được Thánh Allah chấp nhận hết”.

Đúng 18 giờ 10 phút, mọi người cùng thực hiện nghi lễ “xả chay” và dùng bữa cùng nhau. Ngoài món chính là cháo, bà con còn chuẩn bị bánh mì, chuối… để ăn thêm. Nước uống cũng được các chị nội trợ chuẩn bị chu đáo. Hôm nay là món trà tắc.

Theo ông Mách- ông Cả của đồng bào Chăm nơi đây, tháng Ramadan, trẻ em từ 15 tuổi trở lên sẽ bắt đầu thực hiện nghiêm việc nhịn ăn, nhịn uống. Riêng phụ nữ mang thai, trẻ em, người già yếu có thể không bắt buộc phải thực hiện theo nghi thức này.

Chị A Si Giá nấu cháo tại bếp ăn của thánh đường

“Ý nghĩa của việc nhịn ăn là để biết cảm thông, thấu hiểu với những người nghèo khó, những người bị đói khát, không có lương thực thực phẩm. Để từ đó giáo dục chúng ta lòng yêu thương, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau. Nhịn ăn, nhịn uống cũng giúp con người ta rèn được tính kiên cường, vượt qua khó khăn”, ông Ri- Phó Cả nơi đây nói.

Ngọc Diêu

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Online

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay4,215
  • Tháng hiện tại52,997
  • Tổng lượt truy cập4,255,108
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây