Bỏ sổ hộ khẩu, đăng ký thường trú ra sao?

Thứ tư - 22/02/2023 12:14 1.277 0
Sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy thì việc khai thác thông tin về cư trú được thực hiện qua tài khoản định danh, thiết bị đọc trên CCCD gắn chip…

Từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính theo quy định của Luật Cư trú 2020.

Sau hơn hai tháng thực hiện việc bỏ hộ khẩu giấy, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được một số thắc mắc của bạn đọc về các thủ tục liên quan đến việc đăng ký thường trú khi không còn sổ hộ khẩu giấy.

Luật sư Đinh Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có những giải đáp xoay quanh vấn đề trên.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính thông qua việc tra cứu CCCD và một số giấy tờ khác tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HUỲNH THƠ
 

. Bạn đọc Phú Cường, quận Tân Bình, TP.HCM, hỏi: Tôi có căn nhà ở quận 3 và vợ chồng tôi hiện còn đăng ký thường trú tại đây. Cách đây vài tháng, vợ chồng tôi đã bán nhà và chuyển về sống chung với cha mẹ ở quận Tân Bình. Vợ tôi mới sinh con, con tôi có được đăng ký thường trú vào nhà ông bà không?

+ Luật sư Đinh Văn Tuấn trả lời: Tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú quy định người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về ở với ông nội, bà nội thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.

Nếu con bạn đang ở tại nhà của ông bà và được họ đồng ý cho nhập hộ khẩu thì cháu được đăng ký thường trú vào cùng địa chỉ của ông bà.

. Bạn đọc Thanh Hà, quận 3, TP.HCM, hỏi: Trước đây tôi có đăng ký thường trú tại địa chỉ phường 3, quận Gò Vấp. Vừa rồi, tôi đã bán nhà và mua một căn nhà khác cũng ở phường này. Tôi có phải làm thủ tục thay đổi nơi cư trú không, thủ tục ra sao?

+ Việc bạn thay đổi địa chỉ nơi cư trú thuộc trường hợp phải điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Luật Cư trú).

Trình tự thủ tục thay đổi thông tin nơi cư trú được quy định tại Điều 21 Luật Cư trú. Cụ thể, hồ sơ bạn cần chuẩn bị gồm tờ khai theo mẫu; giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.

Bạn nộp hồ sơ tại công an phường. Nếu hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan này cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ, hẹn trả kết quả cho người đăng ký.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia.

“Người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng thì bị xóa đăng ký thường trú, trừ một số trường hợp khác.”
 

Những trường hợp bị xóa thường trú

. Bạn đọc Nguyễn Dũng ở Long An hỏi: Trước đây, tôi đăng ký hộ khẩu ở TP.HCM và được cấp sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, tôi đã bán nhà và về quê sinh sống hơn hai năm nay. Cho tôi hỏi trường hợp của tôi không có mặt tại nơi đăng ký thường trú thì có bị xóa đăng ký không, luật quy định ra sao?

+ Tại Điều 24 Luật Cư trú có quy định về việc xóa đăng ký thường trú, trong đó có trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú.

Cụ thể, trường hợp người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng thì bị xóa đăng ký thường trú (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng).

Như vậy, nếu bạn vắng mặt liên tục tại nơi thường trú hơn 12 tháng mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng thì có thể sẽ bị xóa đăng ký thường trú.•

Những giấy tờ thay thế hộ khẩu giấy

Một số bạn đọc hỏi hiện nay, khi thực hiện các thủ tục hành chính, người dân cần những giấy tờ gì để thay thế sổ hộ khẩu?

Luật sư Đinh Văn Tuấn trả lời: Điều 14 Nghị định 104/2022 có quy định việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong CSDLQGVDC được thực hiện bằng một trong bốn phương thức sau:

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với CSDLQGVDC hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia;

- Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

- Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với CSDLQGVDC, bao gồm thiết bị đọc mã QR hoặc thiết bị đọc chip trên CCCD gắn chip;

- Sử dụng các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên thì cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức… có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong CSDLQGVDC.


Theo PLO

Tác giả: Nhân Phụng (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm23
  • Hôm nay1,504
  • Tháng hiện tại70,204
  • Tổng lượt truy cập4,540,672
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây