Di tích Cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh - nơi gắn kết lòng dân với Đảng

Chủ nhật - 27/08/2023 15:57 598 0
(CTTĐTTPTN) - Di tích Lịch sử- Văn hoá cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh ở khu phố IV, phường II, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh là một trong hai địa điểm di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng trong kháng chiến của các đồng chí Tỉnh uỷ, đặc biệt là đồng chí Hoàng Lê Kha.
Di tích đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử- Văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày27/9/1999 của UBND tỉnh Tây Ninh.
 

 Để nắm tình hình địch và kịp thời tổ chức lực lượng cách mạng đấu tranh với kẻ thù ở ngay trung tâm Thị xã - Châu Thành, Tỉnh ủy Tây Ninh đã xây dựng một cơ sở chỉ đạo bí mật tại nhà của ông Nguyễn Văn Đạt, chỉ cách cơ quan đầu não của địch chưa đầy 300m. Đây là khu vực dân cư đông đúc nên vừa dễ nắm tình hình địch, vừa thuận lợi cho việc tuyên truyền vận động cách mạng cũng như liên lạc và chỉ đạo quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp là phân ban Tỉnh ủy do đồng chí Hoàng Lê Kha phụ trách, bất chấp sự đàn áp điên cuồng của kẻ thù, trong giai đoạn khó khăn nhất của phong trào cách mạng, ý chí cách mạng của nhân dân ngày càng bền chặt, đoàn kết một lòng nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng mà gia đình ông Nguyễn Văn Đạt là một ví dụ điển hình. Từ cơ sở chỉ đạo bí mật này, đồng chí Hoàng Lê Kha đã trực tiếp gắn bó với phong trào, sâu sát với cơ sở, ẩn mình trong lòng địch, cùng với các tâng lớp nhân dân tổ chức đấu tranh với kẻ thủ. Cùng với một số cán bộ chủ chốt, đồng chí đã âm thầm tích cực chuẩn bị và xây dựng cơ sở nội tuyến ngay trong lòng địch, góp phần công lao to lớn để tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ sở, tạo ra nền móng ban đầu cho Đồng khởi vũ trang Tua Hai năm 1960. Đây là tiền đề sau này Đảng đề ra chủ trương “3 mũi giáp công” đánh địch trên mặt trận quân sự, chính trị và binh vận để đưa cách mạng miền Nam toàn thắng.
 

Ngày 26/8/1959, thực hiện chỉ đạo của trên, đồng chí Hoàng Lê Kha đến dự Hội nghị Thị xã ủy. Tại cuộc họp này, đồng chí đã phân tích diễn biến tình hình, âm mưu thâm độc của Mỹ -Diệm sẽ đẩy mạnh “Tố cộng”, “Diệt cộng” bằng những biện pháp phát xít trắng trợn hòng tiếp tục tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, đồng chì chỉ đạo một số chủ trương cấp bạch, vận động nhân dân chống lại âm mưu đen tối của địch, bảo toàn lực lượng cách mạng. Theo kế hoạch thì sau Hội nghị Thị xã ủy, đồng chí Hoàng Lê Kha sẽ đến dự và phổ biến chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy cho huyện Châu Thành. Nhưng kế hoạch không thành vì bọn mật vụ đã phát hiện được đồng chí nên cố vây bắt cho bằng được đồng chí Hoàng Lê Kha một cán bộ mà chúng cho là cán bộ nằm vùng nguy hiểm. Trước nguy cơ sống còn của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thị xã ủy, đồng chí Hoàng Lê Kha ra lệnh: “Tất cả chiến đấu mở đường máu rút lui, bảo toàn lực lượng, hoặc chấp nhận hy sinh không để địch bắt". Biết rõ kẻ thù chỉ phát hiện được mình chứ chưa phát hiện cuộc họp có đủ thành viên Thị xã ủy, đồng chí Hoàng Lê Kha hô to khi địch ập tới gần: “Các vị trí chiến đấu nổ súng đánh địch". Bọn cảnh sát và hiến binh nghe tiếng hô tưởng rằng ta có phòng bị nên chúng có ý chần chừ, lợi dụng phút giây đó để các đồng chí chạy thoát, riêng đồng chí Hoàng Lê Kha vì muốn bảo vệ đồng đội, bảo vệ nồng cốt của phong trào sau này nên vừa chạy, vừa hô xung phong để thu hút địch. Bằng tay không, đồng chí đã chống trả kẻ thù quyết liệt nhưng không may đã bị địch bắt và đưa về giam giữ ở khám lớn Chí Hòa.
 

Trải qua thời gian và các biến cố lịch sử, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Đạt không còn, chỉ còn lại căn hầm bí mật – nơi nuôi giấu đồng chí Hoàng Lê Kha. Năm 1989, tỉnh Tây Ninh đã xây một ngôi nhà tình nghĩa trên nền nhà cũ, sau đó, Sở Văn hoá- Thông tin đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ và cắm biển di tích. Cái tên Cơ sở Tỉnh uỷ cũng được nhắc đến từ thời điểm này. Năm 1989, tỉnh đã tiến hành bảo quản vách hầm bí mật bằng đá hộc hoa cương. Năm 2023, thành phố Tây Ninh đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích theo hướng xây dựng lại các hạng mục đã xuống cấp, đồng thời tiến hành bảo quản thường xuyên các hiện vật còn lưu giữ được. Ngôi nhà cũ khi xưa là cơ sở làm bằng cây, tre, mái lợp tranh, vách đất trộn rơm. Nhà kiến trúc theo kiểu nhà ở dân dụng của người Nam Bộ có 3 gian, 2 mái, gian chính giữa là thờ tổ tiên, gian bên trái là nơi có “Hầm bí mật” đào sâu xuống lòng đất, phía trên hầm bí mật là bộ ván để nằm cũng là để ngụy trang. Theo gia chủ kể lại thì cặp bàn thờ tổ tiên phía bên phải có vách ngăn nơi để làm việc của đồng chí Hoàng Lê Kha. Chiếc hầm bí mật tại nhà ông Nguyễn Văn Đạt là loại hầm trong lòng đất, được đào dưới nền nhà và đặt ván lên trên, từ cửa hầm thông đến hầm bí mật đi theo hình chữ L. Đây cũng là hình thức bí mật để che mắt quân thù. Trên nền đất của ngôi nhà cũ năm 1989 UBND tỉnh Tây Ninh đã xây lại ngôi nhà mới bằng các chất liệu bền vững như : gạch, xi măng, gỗ, lợp fiprociment, xây tường rào bao quanh. Một số hạng mục cũng đã được trùng tu, xây dựng lại trong giai đoạn này bao gồm: cổng chính, đường dẫn vào di tích… Toàn bộ ngôi nhà cấu trúc theo kiểu dân dụng của Nam Bộ 3 gian, 2 mái; được thiết kế có lan can bao quanh nhà trước, 4 cửa sổ, 2 cửa gi, 2 cửa phụ thông ra bếp với 1 của chính. Nền nhà được lát gạch tàu.
 




Do cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Lê Kha và các đồng chí Tỉnh uỷ nên các hiện vật được lưu giữ tại đây cũng mang đậm dấu ấn của các cán bộ cách mạng. Một số hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại di tích gồm chiếc nồi (dùng để nấu cơm nuôi đồng chí Hoàng Lê Kha trong giai đoạn 1955-1960), lọ thuỷ tinh (đồng chí Hoàng Lê Kha dùng đựng thuốc trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ năm 1958), cây cuốc (đồng chí Hoàng Lê Kha và các đồng chí Tỉnh uỷ dùng để đào hầm bí mật trong giai đoạn 1954-1956), khạp đựng tài liệu, bàn làm việc, tủ thờ….
Cùng với Nhà lưu niệm cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh, cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh không chỉ góp phần giá trị lịch sử rất lớn trong chiến tranh, góp phần trong giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mà còn có giá trị lớn về khoa học, quân sự, chứa đựng sực sáng tạo khoa học dựa vào thế đất, ẩn trong lòng đất và lợi dụng các yếu tố tự nhiên để bám trụ và phát động chống lại kẻ thù. Ngày nay, đường đến di tích cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh cũng rất thuận lợi, ngay phía bên trái Quốc lộ 22B, cách Di tích đình Hiệp Ninh 50m về phía Bắc.
Hoa Lam

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm92
  • Hôm nay4,889
  • Tháng hiện tại73,589
  • Tổng lượt truy cập4,544,057
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây