Xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ,... theo phương châm 3 không

Thứ ba - 23/01/2024 12:15 436 0
Bộ Công an tiếp tục thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xử lý vi phạm theo các chuyên đề, các nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ... theo phương châm 03 không "Không vùng cấm - Không ngoại lệ - Không ngày nghỉ".
Xử lý vi phạm nồng độ cồn, tốc độ,... theo phương châm 3 không

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 22/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Theo đó, năm 2024 dự báo kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu vận tải và lưu lượng tham gia giao thông sẽ tăng cao, đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực lớn hơn trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mình và các nhiệm vụ trong Kế hoạch năm an toàn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Tổng hợp các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để chia sẻ, phổ biến

Cụ thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp; trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, Nghị quyết số 48/NQ-CP, Nghị quyết số 149/NQ-CP, Chỉ thị số 10/CT-TTg, Chỉ thị số 31/CT-TTg; tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ công tác trong lực lượng vũ trang có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (vi phạm về nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm…).

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổng hợp các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để chia sẻ, phổ biến cho các đơn vị, địa phương cùng thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

Bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm

Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác, như tăng cường thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam; kịp thời rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định khi nhận được thông tin phản ánh của lực lượng Cảnh sát giao thông, các cơ quan báo chí và người dân.

Yêu cầu các chủ đầu tư dự án công trình giao thông cần chủ động thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới phục vụ thi công tại dự án; có phương án tổ chức giao thông an toàn, kịp thời điều tiết, phân luồng khắc phục ùn tắc giao thông, không để xảy ra mất an toàn tại hiện trường khi xảy ra các sự cố trên tuyến.

Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện, thân thiện với môi trường.

Tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh. Nghiên cứu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ dịch vụ đưa đón học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; 

Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số với các nội dung phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, dân tộc; hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp vận tải.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bám sát chủ đề Năm an toàn giao thông 2024 "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn".

Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn giao thông của các quốc gia tiên tiến để báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng đối với nước ta, nhằm hướng đến thực hiện gìn giữ trật tự an toàn giao thông bền vững.

Các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông các địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trật tự, an toàn giao thông, linh hoạt trong phương thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên hạ tầng số; ứng dụng các giải pháp công nghệ mới có tính tương tác cao nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác truyền thông về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người lao động, chiến sỹ công tác trong lực lượng vũ trang đang công tác tại đơn vị, địa phương mình gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia; kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Tăng cường xử lý vi phạm thông qua dữ liệu thu được từ thiết bị kỹ thuật chuyên dụng

Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng, đơn vị chức năng, nhất là trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông, đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép đối với người và phương tiện giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành giao thông vận tải, Công an, Y tế , Tài chính phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư lắp đặt và kết nối hệ thống camera hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường xử lý vi phạm thông qua dữ liệu thu được từ thiết bị kỹ thuật chuyên dụng (xử phạt nguội) thay cho phương thức xử lý trực tiếp để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông và ngăn ngừa tiêu cực trong tuần tra và xử lý vi phạm.

Đồng thời, Bộ Công an tiếp tục thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát xử lý vi phạm theo các chuyên đề, các nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, như vi phạm về chở quá tải trọng, vi phạm kích thước thùng hàng và nồng độ cồn, ma túy, tốc độ... theo phương châm 03 không "Không vùng cấm - Không ngoại lệ - Không ngày nghỉ".

Bộ Giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý vận tải, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép đối với người và phương tiện giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

10 ngày xử lý 30.491 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Chiều 21/1, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong 10 ngày thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 11/1/2024 đến ngày 21/1/2024), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 30.491 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, riêng trên tuyến quốc lộ 1A, số "ma men" bị xử lý đã là 3.173 trường hợp.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã quyết liệt xử lý các vi phạm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. 

Cụ thể, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 124.533 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tạm giữ 42.522 phương tiện, tước 25.320 giấy phép lái xe các loại. 

Trong đó vi phạm về tốc độ 25.920 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 2.028 trường hợp; quá khổ giới hạn 441 trường hợp; cải tạo phương tiện 23 trường hợp; vi phạm về ma túy 194 trường hợp.

Riêng trên tuyến Quốc lộ 1A do Cục Cảnh sát giao thông trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo Cảnh sát giao thông Công an trên tuyến đã kiểm soát 109.222 phương tiện (14.571 xe khách; 26.185 xe tải, 21.048 xe con, 4.826 xe container, 42.567 mô tô, 25 phương tiện khác), phát hiện, lập biên bản xử lý 18.613 trường hợp vi phạm (2.105 xe khách, 3.554 xe tải, 2.783 xe con, 464 xe container, 9.695 mô tô, 12 phương tiện khác), tước giấy phép lái xe 4.314 trường hợp, tạm giữ 4.465 phương tiện. 

Trong đó, vi phạm cồn 3.173 trường hợp; vi phạm ma túy 35 trường hợp; vi phạm tốc độ 6.442 trường hợp; vi phạm tải trọng 388 trường hợp; vi phạm quá khổ giới hạn 111 trường hợp; chở quá số người quy định 348 trường hợp; đi không đúng phần đường, làn đường 636 trường hợp…

Thử nghiệm ứng dụng công nghệ kết nối tuần tra liên tuyến vào hoạt động tuần tra, kiểm soát

Theo Cục Cảnh sát giao thông, điểm nổi bật trong công tác tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1A là Cục Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo Công an địa phương trên tuyến thử nghiệm ứng dụng công nghệ kết nối tuần tra liên tuyến vào hoạt động tuần tra, kiểm soát. 

Ứng dụng tuần tra, kiểm soát trên thiết bị di động của lực lượng Cảnh sát giao thông được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, tương thích với nhiều loại thiết bị di động để từng bước tự động hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông. 

Điểm đáng chú ý của ứng dụng là sử dụng công nghệ quét QRCode, căn cước công dân và giấy phép lái xe của tài xế để thu thập thông tin người điều khiển phương tiện nhanh chóng, chính xác và được kết nối trực tuyến tới các Tổ Cảnh sát giao thông đang hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1A. Đồng thời, kết nối về Trung tâm thông tin chỉ huy giao thông các cấp để quản lý, điều hành.

"Việc áp dụng công nghệ giúp tránh chồng chéo trong kiểm soát phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông. 

Các Tổ Cảnh sát giao thông nhanh chóng xác định phương tiện đã được kiểm tra trước đó hay chưa, thời gian, địa điểm kiểm tra để quyết định có thực hiện dừng phương tiện kiểm soát hay không (trừ các trường hợp phát hiện vi phạm trực tiếp), hạn chế việc dừng một phương tiện nhiều lần, liên tục, gây phiền phức cho người điều khiển phương tiện và người ngồi trên xe. 

Đồng thời, ứng dụng giúp rút ngắn thời gian kiểm soát thông tin, tình trạng pháp lý của giấy tờ liên quan đến người điều khiển, tiết kiệm thời gian kiểm tra của lực lượng chức năng; thời gian của doanh nghiệp và người điều khiển phương tiện; tiết kiệm vật tư tiêu hao phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát như ống thổi, que test, phiếu in kết quả...", Cục Cảnh sát giao thông thông tin.

Kết quả tra cứu từ ứng dụng cho thấy, từ 6 giờ ngày 20/1 đến 6 giờ ngày 21/1, Cảnh sát giao thông các địa phương nhập lên ứng dụng 7.576 lượt kiểm tra phương tiện, trong đó có 1.709 trường hợp vi phạm, gồm 294 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 26 trường hợp quá tải, quá khổ; 26 trường hợp chở quá số người quy định; 67 trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường; 10 trường hợp đi ngược chiều; 9 trường hợp vi phạm ma túy…

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: chinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay4,149
  • Tháng hiện tại108,228
  • Tổng lượt truy cập4,445,129
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây