“Giữ lửa” làng nghề giữa lòng đô thị

Chủ nhật - 19/03/2023 12:26 873 0
Ở thành phố Tây Ninh, có lẽ ít ai biết đến xóm Lò Than thuộc khu phố 7, phường 3. Ngày nay, tất cả các hộ làm than trong xóm đều đã nghỉ nghề; nhiều gia đình chuyển sang sản xuất bánh đa.
Vợ chồng ông Trinh sản xuất bánh đa bằng lò điện
Vợ chồng ông Trinh sản xuất bánh đa bằng lò điện

Cùng với sự phát triển của nghề bánh tráng, gần 50 năm qua, ở Tây Ninh còn có làng nghề sản xuất bánh đa khá đặc sắc. Sản phẩm của làng nghề này khá đa dạng, thơm ngon và được tiêu thụ rộng rãi nhiều thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề này đứng trước nguy cơ bị mai một.

Làng nghề bánh đa xóm Lò Than

Ở thành phố Tây Ninh, có lẽ ít ai biết đến xóm Lò Than thuộc khu phố 7, phường 3. Ngày nay, tất cả các hộ làm than trong xóm đều đã nghỉ nghề; nhiều gia đình chuyển sang sản xuất bánh đa.

Nguyên liệu và cách chế biến tương tự bánh tráng, nhưng bánh đa dày hơn nhiều lần. Người làm dùng bột gạo khuấy lỏng, tráng trên lò và dùng sức nóng của nước sôi hấp chín, đưa bánh lên vỉ đem phơi nắng cho khô. Trước khi bán, bánh đa được nướng chín vàng, chứ không bán “sống” như bánh tráng. Đặc biệt, bánh đa ở phường 3 có sự pha trộn rất nhiều nguyên liệu khác như dừa, mè, gừng, tôm, v.v… tạo hương vị thơm ngon, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

Đến xóm Lò Than vào những ngày này, không còn thấy những chiếc lò hầm than khói bay nghi ngút, thay vào đó là những cơ sở sản xuất bánh đa hoạt động nhộn nhịp. Trên những bãi đất trống là hang vỉ bánh đa trải dài trong nắng ấm.

Người đầu tiên gây dựng làng nghề bánh đa ở phường 3 là ông Nguyễn Văn Ha (thường gọi Bảy Ha). Năm nay, ông 76 tuổi, đã “chuyển giao” công việc cho con cháu, nhưng mỗi sáng, ông vẫn thức sớm, nhóm lò, phơi bánh và điều hành công việc. Ông Ha cho biết gia đình ông có nghề tráng bánh tráng phơi sương ở phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Sau ngày miền Nam giải phóng (30.4.1975), gia đình ông về phường 3 làm ăn sinh sống.

Biết ở Trảng Lớn (thị trấn huyện Châu Thành) có nhiều gia đình sản xuất bánh đa, ông Ha tìm đến học nghề. Sau khi học hỏi, ông Ha nhận thấy ở Trảng Lớn chỉ sản xuất bánh đa bình thường, không có màu sắc, mùi vị gì khác.

Trở về nhà, ông đắp lò, thay nguyên liệu bột mì thành bột gạo, pha trộn thêm vào bột nhiều nước cốt dừa và mè đen. “Đặc biệt dừa phải mua của tỉnh Bến Tre mới đủ độ béo. Mè cũng phải mua của các tỉnh miền Tây mới ngon”- ông Ha chia sẻ kinh nghiệm.

Sau khi sản xuất được loại bánh này, vợ chồng ông nướng chín và bán cho bà con trong xóm. Bánh thơm ngon, dễ sản xuất, dễ bán, nhiều gia đình trong xóm tìm đến học nghề. “Có thời điểm, trong xóm có cả chục gia đình với khoảng 30 người cùng kiếm sống bằng nghề này” - ông Ha nói.

Theo lời ông Ha, trước đây, đường sá trong xóm nhỏ hẹp, quanh co, sình lầy nước đọng. Nhờ nhiều gia đình làm nghề bánh đa khấm khá, nên bà con đóng góp xây dựng đường giao thông. Ngày nay, đường trong xóm vẫn quanh co, nhưng đã được mở rộng, tráng bê tông xi măng sạch sẽ, không còn cảnh sình lầy nước đọng.

2 lò tráng bánh thủ công của gia đình ông Ha

Cải tiến quy trình sản xuất

Hàng chục năm qua, gia đình ông Ha cũng như nhiều hộ dân khác sản xuất bánh đa bằng phương pháp thủ công, như đốt lò bằng củi, tráng bánh bằng tay. Nhận thấy phương pháp này lạc hậu, chi phí cao, năng suất không cao, hai năm gần đây, ông Ha áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Ông mua máy tráng bánh công nghiệp, vận hành bằng điện năng về sản xuất vừa hạ được giá thành sản phẩm, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần giữ gìn môi trường môi trường sinh thái.

Gia đình ông Ha vẫn còn 2 lò tráng bánh theo kiểu thủ công, nhưng ông cho hay, trong năm 2023, ông sẽ đầu tư thêm một máy tráng bánh công nghiệp và hoàn toàn bỏ cách sản xuất theo kiểu đốt lò truyền thống. “Bây giờ, mua 2 xe củi tốn hơn 3 triệu đồng, dùng có mấy ngày là hết. Trong khi đó, sử dụng máy tráng bánh theo kiểu công nghiệp tốn chi phí ít hơn phân nửa”- ông Ha so sánh.

Trung bình, mỗi ngày gia đình ông Ha sản xuất được hơn 2.000 bánh đa các loại. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk và một số tỉnh miền Tây. Thu nhập khá từ nghề, vợ chồng ông Ha mua được nhiều đất đai, nuôi dạy con cháu nên người.

Tuy nhiên, làng nghề đang có nguy cơ bị mai một. “Để giữ vững làng nghề, tôi cho rằng mẫu mã bao bì phải bắt mắt hơn, quảng bá sản phẩm trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Và nếu được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ vốn để người dân phường 3 đẩy mạnh sản xuất, duy trì làng nghề, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà”- ông Ha tâm sự.


Mặc dù đã 76 tuổi, ông Ha vẫn phụ con cháu phơi bánh

Gia đình ông Lê Huỳnh Trinh là một trong hai hộ dân “ăn nên làm ra” nhờ nghề tráng bánh đa. Hằng ngày, bà Hồ Thị Ngọc Yến- vợ ông Trinh đảm nhận công việc tráng bánh, ông Trinh phụ trách các công đoạn múc bột, đặt bánh lên vỉ, phơi bánh v.v…

Chủ nhà 52 tuổi này kể, cha mẹ của ông gắn bó với nghề gần 50 năm trước, nay vợ chồng ông nối nghiệp. “Nghề này rất vất vả, 12 giờ khuya phải thức dậy tráng bánh, rồi đem phơi nắng. Tuỳ thời tiết, đến trưa hoặc đến chiều bánh mới khô. Xong việc thì đi ngủ sớm để lấy sức, 12 giờ khuya hôm sau tiếp tục vào chu kỳ sản xuất mới”- ông Trinh cho biết.

Đầu năm 2023, vợ chồng ông Trinh đầu tư hơn 50 triệu đồng mua lò điện thay thế cho lò củi và một lò sấy bánh bằng điện dùng để hong khô bánh trong những ngày mưa bão. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trung bình mỗi ngày gia đình ông sản xuất được khoảng 2.000 bánh.

Ngoài những loại bánh đa mè quen thưộc, vợ chồng ông còn cho ra lò các loại bánh đa gừng, bánh đa tôm có hương vị, màu sắc rất độc đáo. “Bánh đa thường được dùng chung với những món ăn như chả đùm, thịt xào hoặc dùng như một món ăn khai vị trên bàn tiệc”- ông Trinh nói.

Ông Ha phụ trách việc nhóm lửa, đốt lò

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống sản xuất bánh đa, không đành lòng nhìn thấy làng nghề đang dần sa sút, cử nhân công nghệ sinh học Nguyễn Cát Phượng tìm cách vực dậy làng nghề. Hơn một năm qua, Phượng tích cực hướng dẫn bà con trong xóm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá tiếp thị…

Hy vọng những con người tâm huyết như ông Ha, ông Trinh, chị Phượng, làng nghề bánh đa ở thành phố Tây Ninh sẽ ngày càng phát triển.

Đại Dương

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: baotayninh

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm178
  • Hôm nay3,776
  • Tháng hiện tại95,541
  • Tổng lượt truy cập4,681,545
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây