Cần có chiến lược phát triển đội ngũ trí thức và chính sách đối với nhân tài

Thứ năm - 23/02/2023 10:05 426 0
Đánh giá, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết 27), bên cạnh những kết quả, mục tiêu cơ bản đạt được, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ của chúng ta đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém. Nhiều chủ trương, quan điểm chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật.
Cần có chiến lược phát triển đội ngũ trí thức và chính sách đối với nhân tài

CÁC MỤC TIÊU MỚI CƠ BẢN ĐẠT ĐƯỢC

Ban Chấp hành Trung ương giao cho các Ban Đảng, trong đó Ban Tuyên giáo Trung ương với vai trò thường trực; tiến hành tổng kết, đánh giá các nội dung sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 và đề xuất các quan điểm mới, giải pháp có tính đột phá xây dựng đội ngũ trí thức để báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương tại kỳ họp lần thứ 7, tháng 5/2023.

Trong quá trình tổng kết  Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Nghị quyết số 27 ra đời, về cơ bản đã đáp ứng được lòng mong mỏi của đội ngũ trí thức, khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; xác định được thực trạng, tình hình và cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng cũng như xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Trong thời gian qua, Nghị quyết đã được quán triệt, triển khai sâu, rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhiều nội dung của Nghị quyết đã được triển khai thực hiện mang lại kết quả to lớn trong thực tiễn; đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường”.

Bên cạnh những mặt tích cực đã được chỉ ra, nhìn nhận qua thực tiễn vẫn còn một số bất cập, hạn chế tồn tại của Nghị quyết số 27 trong quá trình thực hiện như: Nhiều nội dung của Nghị quyết còn chậm được cụ thể hoá, thế chế hoá, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Sự phát triển và cống hiến của đội ngũ trí thức vẫn còn chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay…

Trong số các hạn chế còn tồn tại, đội ngũ trí thức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cả về số lượng và chất lượng. Cơ cấu đội ngũ tri thức còn nhiều bất hợp lý về khu vực, vùng miền, ngành nghề, độ tuổi… Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành và các chức danh tương đương còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận có dấu hiệu hụt hẫng; chưa có nhiều tập thể khoa học, giáo dục - đào tạo, văn hóa, kinh tế mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Việc hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức còn chậm; lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới; công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đồng bộ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 27 chưa được thực hiện triệt để. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy xây dựng, trọng dụng đội ngũ trí thức trong địa bàn, lĩnh vực được giao.

Nội dung khiến đội ngũ trí thức băn khoăn, trăn trở chính là: chưa ban hành “Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030”; phương thức hoạt động của các liên hiệp hội, hội trí thức chậm kiện toàn, chậm đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá tình hình 15 năm thực hiện Nghị quyết 27, những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo những tình hình mới trong điều kiện hiện nay thì việc ban hành một nghị quyết mới về đội ngũ trí thức là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

TRI THỨC VIỆT NAM LÀ LỰC LƯỢNG SÁNG TẠO ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Hiện nay, phát triển bền vững đang là xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển nhiều quốc gia lựa chọn. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét trong thời kỳ tới. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh, đột phá, tác động đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Do đó, cần thiết ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Vấn đề đặt ra là, chúng ta sẽ dựa trên quan điểm, góc nhìn nào để đặt ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho Nghị quyết mới về trí thức?

Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước yêu cầu công tác phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát các nội dung đã được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, liên quan trực tiếp đến yêu cầu đối với công tác phát triển đội ngũ trí thức. Văn bản mới về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nhằm phục vụ phát triển bền vững đất nước với những mục tiêu, nhiệm vụ tới năm 2030, tầm nhìn 2045 cần phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng như: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Góp ý vào nội dung và bố cục dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần làm rõ nội hàm khái niệm trí thức, nhất là đội ngũ trí thức làm việc trong các ngành công nghiệp mới, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật... Đây đều là những những lĩnh vực tri thức mang nội hàm liên quan đến công nghệ số, nhưng mỗi lĩnh vực lại có sự chuyên biệt riêng, do đó, cần phải phân tích rõ. Nhóm chuyên gia soạn thảo và giúp việc thực hiện Đề án cần cụ thể, chi tiết từng giá trị nội hàm của các khái niệm, tránh để có thể hiểu nhiều cách. Về mặt quan điểm, cần viết rõ: "Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định" nên được đặt riêng thành một mệnh đề.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Ban soạn thảo cần điều chỉnh nội dung, cấu trúc, thay đổi nội hàm khái niệm trong Dự thảo. Đối với phần đánh giá chung về mục tiêu cần viết gọn, nội dung đánh giá tổng kết gắn với các trọng tâm, trọng điểm, chủ trương, chủ điểm. Đánh giá cụ thể hơn nữa phần tổng kết cái được của các mô hình thực tiễn cần nhân rộng, học tập; đổi mới cách viết thuyết phục hơn. Đối với phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cần nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước để xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh. Đồng thời hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ năng lực và sự công hiến của trí thức.

Thảo luận về đóng góp thiết thực, hiệu quả của đội ngũ trí thức, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần làm rõ thêm vai trò của "đội ngũ trí thức là người dân tộc hoặc đang công tác tại các khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, cần có thêm đánh giá cụ thể, thiết thực về đội ngũ trí thức này”. Dự thảo Nghị quyết mới cần được hành văn dễ nhớ, dễ hiểu, để khi thể chế hóa từ Nghị quyết sang pháp luật Nhà nước, các điều luật, khái niệm được rõ ràng, khả thi, dễ vận dụng. Đồng thời, Nghị quyết mới cần gợi mở cơ chế, chính sách thực hiện, làm cho đội ngũ trí thức, các nhà khoa học "sống bằng nghề" và có nhiều cố gắng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Góp ý về một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của dự thảo Nghị quyết mới, đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: Việc chưa có tập thể mạnh về khoa học và giáo dục hiện nay có thể do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là công tác đầu tư và đãi ngộ chưa thực sự tương xứng, số lượng nghiên cứu sinh và sau đại học của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, do đó, việc yếu và thiếu về số lượng và cả chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Thực tiễn có một số địa phương, một số ngành cho chủ trương ưu đãi nhân tài nhưng mỗi nơi thực hiện chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" một kiểu, chưa có một quy trình, hướng dẫn chuẩn; thêm nữa các cán bộ có trình độ, bằng cấp được trải thảm đỏ mời về các địa phương nhưng khi giao việc thực tế lại không đúng với chuyên ngành đạo tạo nên ít nhiều không phát huy được hết khả năng, cống hiến.

Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
 

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Bộ, ban, ngành và các đoàn thể, địa phương, cũng như kế thừa những tinh hoa, hạt nhân của Nghị quyết 27, nhóm chuyên gia soạn thảo sẽ tiếp thu quan điểm: “Tri thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế số, giáo dục hiện đại, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ tri thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị”.

Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.

Để đội ngũ tri thức ngày càng phát triển, cần có chiến lược phát triển đội ngũ trí thức và chính sách đối với nhân tài. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu như sau: Một là, đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Hai là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách. Ba là, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Bốn là, tăng cường tiềm lực để phát triển mạnh mẽ đội ngũ trí. Năm là, nâng cao trách nhiệm của trí thức, chất lượng hoạt động của các hội trí thức.

Phạm Quý Trọng

Tác giả: Nhân Phụng (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập136
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm133
  • Hôm nay3,450
  • Tháng hiện tại95,215
  • Tổng lượt truy cập4,681,219
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây