Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chol” nghĩa là “vào” và “Chnam Thmay” là “năm mới”. Hằng năm, lễ hội thường diễn ra vào khoảng giữa tháng tư dương lịch, bao gồm nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian.
Chol Chnam Thmay là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.
Đối với người Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Tại thời điểm này, cỏ cây trở lại tươi tốt và thiên nhiên trỗi dậy sức sống. Sự thay đổi, bừng lên của thiên nhiên đã được người Khmer quan niệm như sự khởi đầu của một năm mới. Việc tổ chức Tết Chol Chnam Thmay xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới.
Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa, mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm, nên ngày xưa, Tết Chol Chnam Thmay kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hoá lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó).
Ba ngày này được tính theo lịch của người Khmer Campuchia. Người Khmer do ảnh hưởng của khoa thiên văn truyền thụ từ Ấn Độ, họ tính đầu năm bằng hai lối vào: “Chol” tính theo chuyển động của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi bằng biểu tượng của 12 con thú tượng trưng của con giáp trong một kỳ. “Chnam” tính theo chuyển động của mặt trời. “Chol” được tính vào tháng 4 dương lịch, còn “Chnam” thì thay đổi theo trăng tròn hay khuyết. Năm nay, tết diễn ra từ 14 - 16.4.2023.
Cùng ngắm những hình ảnh tết của người Khmer qua góc ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Văn Hải tại chùa Khedol, thành phố Tây Ninh.
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Nguồn tin: Tây Ninh Online
Ý kiến bạn đọc