Thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu
Nghị định chỉ rõ, thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp đến người dân thông qua các loại hình thông tin: Đài truyền thanh cấp xã; bảng tin công cộng; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở; tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; cổng hoặc trang thông tin điện tử; mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên Internet; tin nhắn viễn thông.
Hoạt động thông tin cơ sở là hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu; tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân thông qua các loại hình thông tin quy định nêu trên.
Các thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở
Nghị định cũng chỉ rõ các thông tin thiết yếu của thông tin cơ sở, gồm:
1. Thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương, những sự kiện quan trọng liên quan đến người dân ở địa phương.
2. Những thông tin liên quan đến người dân ở địa phương:
a) Thông tin về dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương;
b) Thông tin liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
c) Thông tin liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và công tác quân sự ở địa phương;
d) Thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; hỏa hoạn; cấp cứu, dịch bệnh; thảm họa xảy ra ở địa phương hoặc có ảnh hưởng đến địa phương;
đ) Thông tin về gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực;
e) Thông tin các biện pháp đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;
g) Thông tin sản phẩm, dịch vụ cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống của người dân ở địa phương.
3. Những thông tin khác theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
8 loại hình hoạt động thông tin cơ sở
Nghị định quy định cụ thể về 08 loại hình hoạt động thông tin cơ sở, gồm:
1- Đài truyền thanh cấp xã;
2- Bảng tin công cộng;
3- Bản tin thông tin cơ sở;
4- Tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động thông tin cơ sở;
5- Tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở;
6- Tuyên truyền trên cổng hoặc trang thông tin điện tử;
7- Tuyên truyền qua mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin trên Internet;
8- Tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông.
Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin cơ sở, Bộ TT&TT là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan: Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển và các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin cơ sở; cung cấp thông tin phục vụ hoạt động thông tin cơ sở trên phạm vi cả nước; phổ biến, giáo dục pháp luật về thông tin cơ sở; tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về thông tin cơ sở; quản lý hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở trung ương; thực hiện hợp tác quốc tế về thông tin cơ sở.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực tham gia hoạt động thông tin cơ sở; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê hoạt động thông tin cơ sở; tổ chức công tác thi đua, khen thưởng; ban hành quy định, quy chế và tổ chức hội thi, liên hoan, giải thưởng thuộc lĩnh vực thông tin cơ sở.
Bộ TT&TT cũng là đơn vị thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động thông tin cơ sở theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Nhân Phụng
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc