TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2023) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)

Thứ năm - 17/08/2023 09:32 374 0
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2023) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (2/9/1945 - 2/9/2023)
Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc những giá trị lịch sử, thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ban Tuyên giáo Thị uỷ ban hành Công văn và sao gửi đến các chi, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị, địa phương sao gửi đến các địa phương, cơ quan, đơn vị “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023)”.Ban Tuyên giáo Thị ủy xin trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương tuyên truyền như sau:

Phần một
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VÀ THẮNG LỢI VĨ ĐẠI CỦA ĐẤT NƯỚC TA TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

I. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cao trào cách mạng diễn ra trên khắp cả nước với khí thế sôi nổi.

Ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các Uỷ ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới của Nhân dân; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược khôn khéo, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để đánh thực dân Pháp xâm lược, lúc thì hoà với Pháp để đuổi Tưởng, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo, tranh thủ thời gian để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.

Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với thắng lợi này, chúng ta đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.

II. Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta trải qua gần 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thách thức, ác liệt với nhiều giai đoạn đối phó với các kế hoạch, chiến lược khác nhau của đế quốc Mỹ.

Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960

Đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ - Diệm đã tiến hành các chiến dịch đàn áp dã man các phong trào yêu nước, tiến bộ ở miền Nam, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu. Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ cách mạng vững mạnh của cả nước; Hai là, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới; bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt. Trong bối cảnh đó, từ ngày 13 đến ngày 21/01/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II đã họp (mở rộng) và ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, theo đó đã định hướng và động viên Nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên.

Giai đoạn từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968

Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp Nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

Giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1973

Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”; liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, đặc biệt là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh. Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng diễn ra quyết liệt, chúng ta khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/01/1973.

Giai đoạn từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975

Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Phong trào cách mạng phát triển mạnh trên khắp miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là trận quyết chiến, chiến lược vĩ đại của quân và dân ta, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Nhân dân Việt Nam, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược, non sông thống nhất.

III. Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế

1. Trong 21 năm (1954 - 1975), đế quốc Mỹ đã tiếp sức cho chế độ ngụy quyền tay sai, xâm lược miền Nam Việt Nam, đồng thời phát động chiến tranh phá hoại với âm mưu huỷ diệt miền Bắc. Hàng loạt khó khăn khi tổ chức cuộc sống mới và giải quyết những vấn đề như tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thực hiện chính sách với thương, bệnh binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, thanh niên xung phong; trẻ em khuyết tật, bị di chứng chiến tranh, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.

Đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hậu quả chiến tranh chưa kịp hàn gắn thì lại liên tiếp bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (Tây Nam, phía Bắc năm 1979). Các cuộc chiến đấu này tuy không kéo dài nhưng đã gây tổn thất, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại.

Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, nguồn viện trợ không hoàn lại của quốc tế cho Việt Nam giảm hẳn và không còn; cùng với đó là chính sách thù địch, bao vây, cấm vận của Mỹ, đặt nước ta vào tình thế bị cô lập với thế giới. Thời gian 10 năm trước đổi mới, đã có không ít các hoạt động phá hoại, những âm mưu bạo loạn và lật đổ, những kích động và chia rẽ hận thù dân tộc, tất cả đều có sự tiếp sức của các thế lực phản động bên ngoài. Tình hình phức tạp nảy sinh sau chiến tranh cùng với những hậu quả chiến tranh chưa giải quyết xong đã tác động sâu sắc vào đời sống xã hội, tạo ra khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta những năm 1980, trước thềm công cuộc đổi mới.

2. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi to lớn. Hội nhập quốc tế trở thành vấn đề sống còn của mọi quốc gia, dân tộc. Mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tạo nên cú sốc chính trị chấn động nhân loại trong thế kỷ XX. Ở trong nước, chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, lại bị thế bao vây cấm vận thù địch, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh của mình, chủ động khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên.

Thành công của sự nghiệp đổi mới qua 35 năm, không những giữ vững ổn định chính trị, giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chính trị thế giới hết sức phức tạp, đầy biến động mà còn đem lại những thành tựu quan trọng cho đất nước. Từ một nước trước đổi mới còn khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, một bộ phận Nhân dân nao núng, giảm sút niềm tin; sau đổi mới, đã thành một Việt Nam năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Phần hai
DIỄN BIẾN CUỘC TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở TÂY NINH VÀ THÀNH TỰU SAU 48 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

I. Diễn biến Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh

Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi. Trong khi đó ở Tây Ninh, Mặt trận Việt Minh đã kịp thời lãnh đạo quần chúng rải truyền đơn, khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh” và kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 23/8/1945, được tin Sài Gòn đang khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử đồng chí Trần Kim Tấn và nữ đồng chí Trương Mỹ Lan liên lạc với Xứ uỷ để xin chỉ đạo hành động. Ngay ngày này, đồng chí Trương Mỹ Lan trở về Tây Ninh báo cáo tình hình, còn đồng chí Trần Kim Tấn ở lại Sài Gòn dự mít tinh. Nhận được chỉ thị của Xứ uỷ, đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập hội nghị gồm đảng viên và cán bộ nòng cốt tham dự. Hội nghị bàn việc tổ chức một cuộc mít tinh có đông đảo quần chúng tham gia để Mặt trận Việt Minh tỉnh ra hoạt động công khai, đồng thời kêu gọi Nhân dân ủng hộ Việt Minh. Hội nghị còn quyết định cử ra Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền gồm các đồng chí: Huỳnh Văn Thanh, Trần Văn Mạnh, Phạm Tung, Trương Mỹ Lan, Trần Văn Đẩu, Nguyễn Văn Chấn, về sau bổ sung thêm đồng chí Trần Kim Tấn.

Thực hiện chủ trương của hội nghị, ngay trong đêm 23/8/1945, Ban lãnh đạo hành động cử người đi các nơi huy động Nhân dân, lực lượng Thanh niên Tiền phong và học sinh về dự mít tinh ở thị xã. Băng, cờ, khẩu hiệu trang bị cho đoàn người đi dự mít tinh do cơ sở Việt Minh ở hãng đường Thanh Điền lấy vải của nhà máy đem về nhuộm đỏ và cắt may cho các nhóm. Mọi việc được tiến hành hết sức khẩn trương và chu đáo.

Chiều ngày 24/8/1945, lực lượng quần chúng đầu tiên từ vùng Bến Cầu được ghe xuồng đưa lên hãng đường, sau đó tập trung tại xóm Dốc, ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền để ổn định tổ chức và chuẩn bị xuất phát.

Trong khi những người lãnh đạo Cao Đài còn hoang mang dao động, Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền cử thầy thuốc Vĩnh vào Toà Thánh vận động ông Đặng Trung Chữ, một chức sắc tiến bộ, tổ chức quần chúng tham gia cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Mặt khác, Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền còn thực hiện chủ trương tranh thủ, trung lập hoá quân đội Nhật không tấn công chúng nếu chúng không can thiệp vào các hoạt động khởi nghĩa.

Sáng sớm ngày 25/8/1945, từ Thanh Điền, Xóm Vịnh, Quán Cơm, lực lượng quần chúng giương cờ đỏ sao vàng, mọi người đều có băng trắng chữ Việt Minh màu đỏ hoặc băng đỏ đeo ở cánh tay, các đồng chí đảng viên mang súng ngắn dẫn đầu đội ngũ rầm rập tiến vào sân vận động thị xã. Cùng lúc lực lượng Thanh niên Tiền phong có trang bị súng và tầm vông từ đình Hiệp Ninh lên đường tiến vào sân vận động. Quần chúng tín đồ Cao Đài mang theo cờ đạo, đội ngũ chỉnh tề, từ Toà Thánh cũng đến sân vận động thị xã dự mít tinh. Thế là một cuộc mít tinh lớn chưa từng thấy ở Tây Ninh đã diễn ra.

Tại buổi mít tinh, đồng chí Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh đọc diễn văn nêu rõ: Quân đội Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh, chính quyền Hà Nội  và khắp miền Bắc, Trung đã thuộc về Việt Minh và kêu gọi đồng bào Tây Ninh hãy đứng lên sẵn sàng giành chính quyền. Quần chúng dự mít tinh hết sức phấn khởi, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít tinh của quần chúng chuyển thành đoàn biểu tình kéo qua dinh tỉnh trưởng, quanh chợ và các đường phố chính trong thị xã. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, chính quyền bù nhìn không dám phản ứng. Đến trưa, đoàn biểu tình mới trở về thị xã.

Khoảng 14 giờ ngày 25/8/1945, một đoàn cán bộ từ Sài Gòn mang chỉ thị giành chính quyền của Xứ uỷ lên Tây Ninh. Ban lãnh đạo giành chính quyền tỉnh triệu tập hội nghị mở rộng gồm các thành viên Ban Lãnh đạo hành động và một số cán bộ nòng cốt để lập kế hoạch giành chính quyền. Xuất phát từ điều kiện khách quan, chính quyền bù nhìn rệu rã đang chờ giao chính quyền, bọn Nhật đã bị cô lập, trung đội cảnh sát bảo vệ dinh tỉnh trưởng có viên chỉ huy ngả theo cách mạng, thời cơ đang đến nhanh, hội nghị quyết định chỉ huy động lực lượng khoảng 500 quần chúng có trang bị đầy đủ, đột nhập dinh tỉnh trưởng và chiếm các công sở. Theo kế hoạch, một bộ phận xung kích đã đột nhập vào bên trong dinh tỉnh trưởng, tước súng của hai tên lính gác giao lại cho lực lượng bảo vệ để chiếm giữ và bảo vệ trật tự, an toàn trong khu vực dinh tỉnh trưởng. Mọi việc đều tiến hành nhanh gọn, không gặp phải một sự kháng cự nào của địch. Các đồng chí trong Ban Lãnh đạo hành động giành chính quyền cùng với đoàn cán bộ đi từ Sài Gòn lên bằng ô tô có cắm cờ đỏ sao vàng vào dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh được gọi ra, yêu cầu nộp sổ sách, giấy tờ và giao chính quyền. Trước khí thế cách mạng, tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh đáp lại: “Chúng tôi đã có chuẩn bị chờ các ông”.

Ban lãnh đạo hành động giành chính quyền buộc Lê Văn Thạnh phải gọi những người cầm đầu các công sở đến, ai có vũ khí phải mang theo (lúc này, lực lượng tự vệ đã triển khai chiếm xong các công sở) lực lượng cách mạng tước hết súng. Việc chuyển giao chính quyền tỉnh được giải quyết xong ngay trong đêm 25/8/1945. Sau đó, lực lượng cách mạng chỉ bắt giữ Tỉnh trưởng Lê Văn Thạnh, Jean Baptiste Hà Văn Sua - y sĩ có quốc tịch Pháp và Đốc phủ Đường, tên tay sai đắc lực của Pháp. Những người còn lại được cho về tiếp tục công việc, trừ một vài nơi trọng yếu như nhà máy đèn, nhà máy nước, do lực lượng cách mạng trực tiếp nắm giữ.

Các công sở của huyện Châu Thành đóng ở thị xã, cũng được tiếp quản ngay sau khi bộ máy chính quyền ngụy cấp tỉnh không còn.

Ở Trảng Bàng, cán bộ Việt Minh cũng nhận được chỉ thị của Xứ uỷ về tổ chức cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh và chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ban lãnh đạo khởi nghĩa được thành lập kịp thời  gồm đồng chí Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba, Lên, Dú. Sáng sớm 25/8/1945, một cuộc mít tinh trọng thể được tổ chức tại bãi chợ Trảng Bàng, toàn bộ lực lượng Thanh niên Tiền phong của quận và đông đảo Nhân dân ở các xã tham dự.

Tại cuộc mít tinh, đồng chí Huỳnh Hà nhân danh đại biểu của quận bộ Việt Minh phát biểu nhấn mạnh: Nhật đầu hàng, ở miền Bắc, Trung chính quyền đã về tay Việt Minh, đồng thời kêu gọi quần chúng sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền ở quận. Những người dự mít tinh háo hức hô to khẩu hiện “ chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Minh muôn năm”. Kết thúc cuộc mít tinh, quần chúng tham gia thành đoàn biểu tình thị uy quanh phố chợ rồi toả về các xã.

Tối 25/8/1945, anh Phiên, thư ký hành chính quận đã được vận động theo cách mạng, khôn khéo ra lệnh cho bọn lính cất hết súng vào kho. Cùng lúc, một lực lượng nhỏ Thanh niên Tiền phong bao vây bên ngoài dinh quận. Sau đó, hai đồng chí Huỳnh Hà, Lê Phẩm Ba cùng với anh Phiên vào quận đường buộc tên quận trưởng Huỳnh Tường Tấn đầu hàng và chuyển giao chính quyền. Trước đó, tên Tấn nghe động đã đóng kín các cửa, nhưng liệu bề không chống nổi nên xin chấp nhận chuyển giao chính quyền.

Lực lượng khởi nghĩa chiếm quận đường, Huỳnh Tường Tấn, quận trưởng bị bắt giam. Việc giành chính quyền ở Trảng Bàng hoàn thành. Sáng hôm sau (26/8/1945), cờ đỏ sao vàng tung bay khắp thị trấn.

Tại vùng Phước Chỉ, sau khi nhận lệnh từ Đức Hoà, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đảng viên đã họp bàn kế hoạch và thành lập Ban Tuyên truyền vận động khởi nghĩa gồm các đồng chí Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thanh, Lê Đặng Côn, Bùi Quang Tấn, thầy giáo Quang và Ba Màng. Theo  kế hoạch, một đội võ trang bao vây đồn Rạch Tràm và gọi hàng. Bọn lính trong đồn mất hết tinh thần trước khí thế sôi sục của quần chúng, vội vàng hạ súng đầu hàng. Bọn cầm quyền ở khu vực chợ Rạch Tràm cũng hoang mang dao động cao độ, nên khi đoàn biểu tình của quần chúng kéo đến đã chấp nhận giao chính quyền.

Sau khi giành chính quyền ở tỉnh và quận, Ban Cán sự Đảng tỉnh cử một số đồng chí về các vùng nông thôn hướng dẫn Nhân dân giành chính quyền ở tổng, xã. Việc giành chính quyền ở nông thôn cũng diễn ra thuận lợi do bọn hương lý đã tan rã từ những ngày trước đó, không dám  hành động chống lại.

Chỉ trong một ngày đêm (25/8/1945), chính quyền ngụy từ tỉnh đến quận đều sụp đổ hoàn toàn, và ba ngày sau chính quyền các xã đều thuộc về tay Nhân dân. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Tây Ninh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi đó là do Ban Cán sự Đảng tỉnh nhạy bén tiếp thu và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các đảng viên, các cơ sở Đảng.

Từ khi các cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập, là hạt nhân cho sự ra đời của Ban Cán sự Đảng tỉnh (9/1944) đến khởi nghĩa giành chính quyền, đội ngũ đảng viên chỉ có 25 đồng chí, nhưng các đảng viên đều vượt qua thử thách, tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, luôn gắn bó với quần chúng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng đứng trong tổ chức cách mạng, tạo được đội quân chính trị đông đảo vùng lên thành cao trào rộng khắp toàn tỉnh, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám thành công.

II. Thành tựu 48 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Tây Ninh

1. Đảng bộ Tây Ninh lãnh đạo Nhân dân cùng với cả nước đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng và Mặt trận các cấp trong tỉnh được thành lập, từng bước ổn định đời sống Nhân dân. Nhưng hưởng niềm vui hòa bình chưa được bao lâu, Nhân dân Tây Ninh cùng đồng bào cả nước phải tiếp tục bước vào một cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập vừa giành được, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt 30 năm chống thực dân và đế quốc, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả” chứ “nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Tây Ninh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hy sinh, lập nên nhiều chiến công oai hùng, xứng đáng với truyền thống quê hương trung dũng kiên cường.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, từ tiếng súng đầu tiên ở Suối Sâu (ngày 08/11/1945) đến kết thúc cuộc kháng chiến tháng 7-1954, chiến trường Tây Ninh là một trong những nơi khó khăn nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Kẻ thù đã dùng đủ mọi âm mưu thủ đoạn xảo quyệt từ “chia để trị”, dùng người Khmer giết người Việt, áp dụng chính sách “tam quang”: giết sạch, đốt sạch, phá sạch,... đến các loại vũ khí tối tân lúc bấy giờ nhằm triệt phá vùng căn cứ kháng chiến. Nhưng với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ra sức tổ chức, chăm lo cuộc sống cho Nhân dân; củng cố các tổ chức đảng thành hệ thống lãnh đạo vững mạnh; từng bước thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương và du kích lớn mạnh; giáo dục lập trường, quan điểm quần chúng và luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, vừa đánh địch tại địa phương, vừa bảo vệ căn cứ địa kháng chiến, lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành thắng lợi, chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.

Trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, dân và quân Tây Ninh phải đương đầu một cuộc chiến khó khăn, ác liệt hơn. Ở từng giai đoạn của cuộc chiến tranh, Tây Ninh luôn là địa bàn đánh phá ác liệt của địch, hòng huỷ diệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến và lực lượng bộ đội chủ lực cách mạng miền Nam. Tuy chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng Đảng bộ,  dân và quân Tây Ninh vẫn vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, hy sinh, kiên cường bám trụ để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ quê hương.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (01/1959), phong trào cách mạng ở miền Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Bằng chiến thắng Tua Hai (01/1960) vang dội, mở đầu cho cao trào Đồng Khởi vũ trang ở Nam Bộ, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó. Quân và dân Tây Ninh cùng với toàn miền Nam lần lượt đập tan các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, ký kết Hiệp định Paris (01/1973), chấp nhận thua trận, rút quân về nước. Thừa thắng xông lên, quân dân Tây Ninh và quân dân miền Nam đã đánh cho “ngụy nhào”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xứng đáng với lòng tin của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau ngày 30/4/1975, trong khi cả nước được độc lập, bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội thì Tây Ninh phải tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đồng thời, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn phản động Pôn-pốt gây ra; chi viện sức người, sức của kiến thiết tỉnh Kom Pong Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong suốt 10 năm (1979-1989).

2. Những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh qua 48 năm xây dựng và phát triển

Sau năm 1975, tỉnh nhà được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ một xuất phát điểm rất thấp. Cơ sở hạ tầng bị phá huỷ nặng nề, 60/73 xã trong tỉnh bị tàn phá hoàn toàn, hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Toàn tỉnh không có một công trình thuỷ nông quan trọng nào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; hoạt động công nghiệp gần như không có; đại bộ phận Nhân dân sống trong nghèo khó, hàng vạn đối tượng chính sách cần được chăm lo.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với truyền thống “trung dũng, kiên cường”, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao độ để vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phấn đấu xây dựng tỉnh nhà. Trong 10 năm 1975-1985, Tây Ninh tập trung cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa. 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, xác định đúng đắn chiến lược phát triển cùng lộ trình và bước đi phù hợp, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển, giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đã tập trung trí tuệ, tìm quyết sách lãnh đạo, khai thác, tận dụng tiềm năng - lợi thế, tạo bước đột phá vươn lên, đưa Tây Ninh không ngừng phát triển. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh liên tục tăng,

Năm 2022, lần đầu tiên sau nhiều năm, 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với Nghị quyết năm của Tỉnh uỷ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.700 USD, cao gấp 1,78 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời (tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng có tổng vốn 9.100 tỷ đồng, đưa Tây Ninh thành một trong những "thủ phủ" về điện mặt trời của cả nước).

Từ chỗ không có mặt hàng nào xuất khẩu, trong giai đoạn 2016 - 2020, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh đạt 19 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm; năm 2022, tình hình kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm tinh chế, mở rộng mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện 26.989 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 4,07% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 18.188 tỷ đồng, tăng 9,8% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.781 tỷ đồng, đạt 52,6% dự toán.

Năm 2022, Tây Ninh là một trong những tỉnh có tỷ lệ thu hút đầu tư cao trong cả nước, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành. Các dự án đầu tư trong và ngoài nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu quốc gia như Sun Group, Vingroup, TTC Group… đã có dự án đầu tư tại Tây Ninh. Tỉnh cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ, tạo tiền đề vững chắc để Tây Ninh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030. Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tích cực; đến tháng 6/2023 toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo kế hoạch đến cuối năm có 65/71 xã đạt chuẩn, trong đó 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cùng với kinh tế, các lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều thành tựu nổi bật. Chất lượng khám chữa bệnh, giáo dục - đào tạo, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở… tiếp tục được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tốt. Các chính sách xã hội, chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm trên 16.000 lao động. Kết quả rà soát hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2022 còn 1,09% (với 3.499 hộ), vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao về giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (từ 0,1%-0,15%) (nằm trong tốp 5 tỉnh có hộ nghèo thấp nhất nước). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,25% so với dân số toàn tỉnh.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vừa triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát thích ứng, an toàn với dịch COVID-19, vừa thực hiện các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, bảo vệ an toàn sức khoẻ, ổn định đời sống nhân dân; quan tâm hỗ trợ, chi trả cho hơn 500.000 trường hợp bị ảnh hưởng COVID-19 hơn 1.000 tỷ đồng.

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự được nhân rộng. Quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia được tăng cường, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra “điểm nóng” trên tuyến biên giới.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, bản lĩnh chính trị, tư duy và năng lực lãnh đạo được nâng lên. Cấp uỷ các cấp tập trung thực hiện hai nhiệm vụ “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt”, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam là dịp để chúng ta càng hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử, thực tiễn của Cách mạng Tháng Tám; nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 78 năm qua vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

          KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

          1. Nhiệt liệt chào mừng 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023)!

          2. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 muôn năm!

         3. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!

          4. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

          5. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh!

          6. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

          7. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

          8. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta! 

Nhân Phụng

Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)

Nguồn tin: BTG Tỉnh ủy

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập360
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm357
  • Hôm nay1,185
  • Tháng hiện tại92,950
  • Tổng lượt truy cập4,678,954
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây