Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ năm, chiều 16/1, Quốc hội thảo luận dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) bày tỏ thống nhất với quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định. Trong khi đó, các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết, nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định: “Cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung, dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, để tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2 quy định: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.
Theo đại biểu, phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.
Việc quy định HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đồng thời, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết cần quy định thêm: Trên cơ sở kết quả phân cấp, HĐND cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn.
Cũng quan tâm đến cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cũng nhất trí với Phương án 2. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần quy định tiêu chí về việc lựa chọn huyện thực hiện thí điểm, trong phương án 2 không quy định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn cấp huyện, nhưng tại phương án 1, định hướng lựa chọn cấp huyện trong đó ưu tiên lựa chọn huyện đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; có nhiều điển hình cách làm hay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; có kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đạt trên 70%. Đây là những huyện đã có thế mạnh, không có nhiều nhu cầu phải điều chỉnh, cân đối nguồn lực, không còn nhiều dư địa để thực hiện, trong khi đó các huyện nghèo, có nhiều xã đặc biệt khó khăn, trên thực tế đang bị vướng mắc bởi các quy định của Trung ương mà chưa triển khai thực hiện được các nguồn vốn của ba chương trình mục tiêu quốc gia mới là những huyện cần chính sách đặc thù nhất.
Do vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội giao cho HĐND tỉnh căn cứ thực tiễn của địa phương, căn cứ thực tiễn của huyện đang thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia có những khó khăn vướng mắc phải giải quyết, căn cứ vào khả năng thực hiện của đội ngũ cán bộ để lựa chọn huyện thực hiện thí điểm.
Để có thể tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền các nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 của Quốc hội như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện.
“Thực tế, hiện nay vẫn còn một số chính sách người dân chưa tiếp cận được như thực hiện hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ nghèo mà yêu cầu phải có đối ứng là rất khó khăn, nên việc giải ngân các nguồn vốn này chưa nhiều, như vậy khó có thể đạt được mục tiêu của Chương trình đã đề ra” - đại biểu nói./.
Tác giả: Nhân Phụng (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Ý kiến bạn đọc