Những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể Thành phố đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất lẫn tinh thần nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc, như: xây tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh; đào tạo nghề, hỗ trợ học phí cho học sinh, hỗ trợ y tế, tiền điện...và nhiều chương trình an sinh xã hội khác.
Điển hình ở xã Thạnh Tân, trong năm 2016 đã có 2 hộ đồng bào dân tộc Khmer được xây tặng nhà đại đoàn kết, 2 hộ được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Từ sự hỗ trợ này, các hộ đồng bào dân tộc đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, cuộc sống dần ổn định hơn.
Vợ chồng anh Phan Minh Khang và chị Danh Thị Diệu (chị là người dân tộc Khmer) ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân là một điển hình. Trước đây, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có nhà ở ổn định, gia đình phải cất một cái lều bằng lá, cạnh vách nhà một gia đình người thân để ở. Năm 2013, được Hội Phụ nữ Công an Thành phố vận động mạnh thường quân xây tặng cho gia đình anh chị "Mái ấm tình thương". Kể từ đó cuộc sống gia đình anh Khang, chị Diệu đã dần ổn định hơn, an tâm đi làm thuê nuôi hai con ăn học. Hơn hết, được chính quyền xã Thạnh Tân tạo điều kiện giúp anh chị tiếp cận các nguồn vốn vay, đến nay anh chị đã mua được 2 con bò, tạo nguồn vốn lâu dài để tiếp tục phát triển kinh tế, gầy dựng cuộc sống. Anh Khang vui mừng khoe đàn bò của mình hiện tại có một con đã sinh bò con và con còn lại đang mang bầu. Viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp đang dần hiện ra trước mắt đôi vợ chồng trẻ người dân tộc chí thú làm ăn, đi lên từ hai bàn tay trắng.
Còn ở phường 1, hiện có 102 hộ dân tộc Chăm, 356 nhân khẩu. Bà Lê Thị Thảo Hiền – Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết, nhờ thực hiện mô hình "Chăm lo đồng bào dân tộc Chăm phường 1, Thành phố", số hộ dân tộc nghèo trên địa bàn phường giảm đáng kể. Năm 2013 phường có 2 hộ dân tộc nghèo, đến cuối năm 2016 phường không còn hộ dân tộc nghèo. Trong đó nổi bật nhất là công tác vận động xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ khó khăn là đồng bào dân tộc Chăm. Tính từ năm 2010 đến nay, đã có 26 hộ đồng bào dân tộc Chăm của phường được xây tặng nhà đại đoàn kết, giúp họ có căn nhà khang trang, ổn định hơn. Hiện nay 100% hộ dân tộc Chăm trên địa bàn phường đã có nhà ở kiên cố, góp phần xây dựng diện mạo làng Chăm ở phường 1 ngày càng phát triển, khởi sắc.
Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực vận động mạnh thường quân thực hiện nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc. Năm 2016, xã Tân Bình vận động khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 51 lượt người dân tộc; phường 1 vận động tặng 108 phần quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho đồng bào dân tộc với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng; xã Thạnh Tân vận động tặng 1 con bò sinh sản cho hộ phụ nữ tộc người Tà Mun, trị giá 20 triệu đồng... và gần đây nhất, trong tháng 3/2017 hơn 100 người nghèo, đồng bào dân tộc ở phường Ninh Thạnh cũng được tặng quà, khám bệnh miễn phí với tổng kinh phí vận động hơn 20 triệu đồng.
Bên cạnh công tác chăm lo phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc, Thành phố cũng quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, tuyên truyền giáo dục pháp luật, cũng như duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Cùng với việc hỗ trợ học phí cho học sinh con em người dân tộc, các địa phương cũng duy trì chữ viết, văn hóa dân tộc thông qua các lớp dạy tiếng dân tộc như: tổ chức lớp dạy tiếng, chữ dân tộc Chăm tại Văn phòng Ban đại diện Islam (Phường 1); duy trì dạy tiếng Khmer trong Trường Tiểu học Thạnh Tân B (xã Thạnh Tân)... Hàng năm, các tổ chức, đoàn thể, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tổ chức lễ, tết truyền thống cho bà con; tổ chức đội văn nghệ về phục vụ tại các xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc được hưởng thụ về văn hóa, vui tết truyền thống, giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.
Lãnh đạo Thành phố tặng quà cho người có uy tín tộc người Tà Mun ở xã Tân Bình
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cho biết, những năm gần đây, Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc, già làng, người có uy tín, để lực lượng này trực tiếp tuyên truyền cho bà con dân tộc mình. Vừa qua, UBND Tỉnh ban hành quyết định 518/QĐ-UBND phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong đó Thành phố có 6 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gồm: ông Lâm Văn Ron và bà Lâm Thị Niệm (tộc người Tà mun); ông Mông Nhênh và ông Danh Khiêu (dân tộc Khmer); ông Lương Huệ Linh (dân tộc Hoa); ông Chàm Sá (dân tộc Chăm). Đây là lực lượng nồng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tộc, giúp bà con nắm bắt, am hiểu và chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của người dân.
Đặc biệt, hiện nay số lượng người dân tộc thiểu số tham gia vào các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, xã ngày càng nhiều với 70 người. Trong đó có 11 đảng viên, 11 đoàn viên mà nhiều nhất là tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã với 23 người, kế đến là Hội Nông dân cơ sở với 18 người.
Đời sống kinh tế ổn định, đời sống dân trí, văn hóa tinh thần được nâng cao, diện mạo của vùng đồng bào dân tộc sinh sống cũng đổi mới từng ngày. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng kết quả đó đã cho thấy những nỗ lực của Thành phố trong công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đây, khối đại đoàn kết dân tộc sẽ càng được giữ vững, đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành phố càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn, ngăn chặn âm mưu gây thù hằn, phá hoại chính sách đại đoàn kết của Đảng và nhà nước ta.
H.H
Ý kiến bạn đọc