Cô giáo Chăm – điểm tựa cho các em dân tộc vững bước tương lai

Chủ nhật - 19/10/2014 00:50 68 0

Cô giáo Chăm – điểm tựa cho các em dân tộc vững bước tương lai

Ở trường tiểu học Vừ A Dính, khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh có cô giáo người Chăm đã gần 10 năm theo nghề gõ đầu trẻ được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và bà con xóm Chăm hết sức yêu mến. Đó là cô giáo Thị Sa Ly Has, sinh năm 1978, nhà cô cũng ở xóm Chăm, gần trường học.

   Đối với chị để có ngày đứng trên bục giảng là chặng đường dài và đầy quyết tâm, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của cha mẹ chị. Chị kể: “Lúc nhỏ mình thấy trong xóm nhiều gia đình nghèo khó, bạn bè học lớp 2, lớp 3, lớp 4, nghỉ học, đầu tiên mình cũng thích nghỉ học. Nhưng ba mình nói không được, học để sau này có nghề nghiệp ổn định mới thoát nghèo”. Bởi vì đời sống bà con dân tộc Chăm lúc ấy cũng rất khó khăn, cùng với quan niệm lạc hậu là học nhiều làm gì, chủ yếu là kiếm sống được rồi nên nhiều nhà cho các em nghỉ học sớm, đi làm phụ giúp gia đình. Ở nhiều gia đình, cha mẹ nghèo vì làm thuê, rồi con cái cũng làm thuê, cuộc sống vất vả, bấp bênh.

   Nhờ cha mẹ kiên định lo cho con học hành, mà 5 chị em của cô giáo Thi Sa LY Has đều học hết lớp 12, dù gia đìnhkhó khăn, phải chạy tiền lo cho con đi học. Nhiều hàng xóm cũng cười nhạo: con gái học lắm cũng lấy chồng sinh con, chứ làm bà lớn gì? Nhiều lần Has cũng rất ngại, e dè nhưng nhờ có ba mẹ hậu thuẫn nên Has cố gắng học, hết lớp 12 rồi thi đậu vào Cao đẳng sư phạm ngành Tiểu học.

 


Cô giáo Chăm Thị Sa Ly Has (bìa phải) được khen thưởng tại Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số Thành phố

   Chị chia sẻ: “Mình thích nghề giáo viên lúc còn nhỏ, mình đi học, đôi lúc giáo viên người Kinh dạy có lúc không hiểu mà không biết hỏi như thế nào. Từ đó mình nghĩ sau này lớn lên sẽ học nghề giáo viên, để khi dạy những em dân tộc Chăm không hiểu thì mình giải thích cho bé hiểu từ tiếng mẹ đẻ sang qua tiếng Kinh”. Năm 2005 ra trường, chị được nhận về giảng dạy ở trường tiểu học Vừ A Dính đến nay.

   Cô Nguyễn Thị Dung – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “ Trong quá trình công tác, cô Has là một giáo viên rất tích cực, năng động có trách nhiệm rất cao trong việc giảng dạy văn hóa học sinh cũng như giáo dục đạo đức cho học sinh; nhiều năm liền cô đạt danh hiệu lao động tiên tiến, đến năm học 2013-2014, cô đạt chiến sỹ thi đua cơ sở, cô cũng là tổ trưởng tổ chuyên môn trong suốt 5 năm liền”.

   Qua quá trình rèn luyện phấn đấu, năm 2010, cô giáo Thị Sa Ly Has đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chị tâm sự: “Mình rất phấn khởi khi vào Đảng mình sẽ biết, hiểu hơn đường lối, chính sách của Đảng; rồi từ đó mình giải thích cho bà con dân tộc Chăm hiểu rõ hơn để cùng nhau xây dựng đất nước phát triển”.

   Và điều mà chị hạnh phúc nhất là từ tấm gương của gia đình chị mà đến nay, đồng bào dân tộc Chăm nơi đây đã nâng cao nhận thức, bảo ban, lo cho con cái học hành, nhiều em học đến đại học và từ đó cuộc sống bà con đã khá hơn nhiều. Chia tay chị cũng là lúc tiếng trống tan trường buổi trưa đã điểm, những em học sinh lớp 1A – lớp của cô giáo Thị Sa Ly Has giảng dạy, lại ríu rít chào cô ra về, bằng cả tiếng Chăm, cả tiếng Việt – thân thương qua đỗi.

   Tại Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số Thành phố vừa qua, cô giáo Thị Sa Ly Has được UBND Thành phố biểu dương, khen thưởng với thành tích trong việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Thành phố Tây Ninh. Hơn hết cô giáo Chăm chính là điểm tựa, là nhịp cầu để các em dân tộc Chăm vững bước vào tương lai./.

Quế Hương (Đài Truyền thanh TPTN)

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay13,093
  • Tháng hiện tại35,172
  • Tổng lượt truy cập3,531,640
Thư viện ảnh
tptn-2.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây