Nhân dịp Chính phủ có Nghị quyết số 135/2013/NQ-CP thành lập thành phố Tây Ninh và trong cuộc “gặp gỡ đầu năm” phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch TRẦN HỮU HẬU.
- Kính chào ông Chủ tịch, được biết ngày 29.12.2013 Chính phủ đã có Nghị quyết số 135/2013/NQ-CP thành lập thành phố Tây Ninh, vậy ngay trong cuộc “gặp gỡ đầu năm” này chúng tôi có thể gọi ông là Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh?
Ông Trần Hữu Hậu - Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh |
- Vâng, thưa nhà báo, Nghị quyết của Chính phủ có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành, như vậy Thị xã của chúng ta “lên” thành phố dù chỉ mới hai ngày, nhưng cũng là từ cuối năm 2013 bước sang đầu năm 2014 rồi!
- Chúng tôi cũng được biết thành phố Tây Ninh được thành lập trên cơ sở giữ nguyên diện tích tự nhiên, dân số, địa giới hành chính của thị xã Tây Ninh, như vậy ông Chủ tịch có thể cho bạn đọc Báo Tây Ninh được biết, đâu là điều cần thiết phải thành lập thành phố?
- Chúng ta đã biết, Tây Ninh là tỉnh có vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng, là cửa ngõ quan trọng phía Tây mở ra các nước Đông Nam Á của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tây Ninh có vị trí đặc biệt trong kết nối kinh tế quốc gia và quốc tế; là nơi giao nhau của 3 hành lang kinh tế quốc gia và quốc tế kết nối Việt Nam với các nước Đông Nam Á, kết nối khu vực Tây Nguyên với Tây Nam bộ…
Thị xã Tây Ninh là đô thị trung tâm của tỉnh, là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Tây Ninh, là đô thị loại III và là đô thị vệ tinh nằm trong cụm đô thị miền Đông Nam bộ. Thị xã Tây Ninh được định hướng là một “đô thị đối trọng phía Tây Bắc” của thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là một đô thị có “chức năng đô thị tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng”. Thị xã Tây Ninh nằm trên hành lang kinh tế kết nối thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các nước ASEAN. Đây cũng là con đường ngắn nhất nối thành phố Hồ Chí Minh với Siem Reap (Campuchia), Bangkok (Thái Lan); đồng thời, là một trong những con đường gần nhất để từ thành phố Hồ Chí Minh đến vùng Đông Bắc Thái Lan và Nam Lào. Điều đó cho thấy, vị thế của thị xã Tây Ninh sẽ được nâng lên tầm cao mới khi cộng đồng ASEAN ra đời vào năm 2015. Bên cạnh đó, thị xã Tây Ninh có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn quốc phòng - an ninh, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội không những cho riêng tỉnh Tây Ninh mà còn cho vùng và cả nước. Với vị thế là thủ phủ tỉnh Tây Ninh, thị xã Tây Ninh rất cần được đầu tư, phát triển tương xứng.
- Vâng, chính vì thế nên Tỉnh uỷ Tây Ninh mới có nghị quyết xác định nâng cấp đô thị Thị xã lên thành phố thuộc tỉnh “trước năm 2015”. Và cho đến hôm nay thì mục tiêu này đã đạt sớm hơn 1 năm. Ông Chủ tịch UBND Thành phố có thể nói gì về điều đó?
- Đối chiếu với mục tiêu đề ra trong nghị quyết Tỉnh uỷ về phát triển thị xã Tây Ninh thì chúng ta đạt sớm 1 năm; nhưng như nhà báo đã biết thì đối với nhiều người quan tâm đến tiền đồ phát triển của quê hương Tây Ninh thì đến nay Thị xã mới “lên thành phố” là quá chậm…
- Thế còn đối với các nhà quản lý đô thị như ông “Thị trưởng” thì sao?
- Theo tôi thì việc nâng cấp Thị xã lên thành phố thuộc tỉnh vào ngày cuối năm 2013 không phải là nhanh, cũng không phải là chậm mà là kịp thời, là đúng “độ chín” của một đô thị tuy đã hình thành hơn trăm năm, nhưng mới phát triển độ hơn chục năm nay thôi. Nhà báo hẳn còn nhớ, trước năm 2002 thực trạng Thị xã của chúng ta như thế nào chứ?
- Đúng là từ thời điểm cuối năm 2001 ngược trở về trước, thì tuy có tiếng là thủ phủ của tỉnh nhưng Thị xã chỉ có ba phường, một xã với khoảng ba chục ngàn dân và non ba ngàn rưỡi ha diện tích tự nhiên, nhưng chỉ sau “một giáp” Thị xã đã có diện tích lớn hơn gấp bốn lần, dân số tăng gấp năm lần, đủ chuẩn nâng cấp lên thành phố. Và bây giờ khi đã được thành lập, Thành phố ta được định hướng phát triển như thế nào, thưa ông Chủ tịch?
- À, việc này thì tôi xin được nói dông dài một chút. Theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, thị xã Tây Ninh được đầu tư phát triển để trong tương lai không xa sẽ chuyển mình trở thành một thành phố kinh tế - sinh thái. Nơi đây sẽ vừa là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, đồng thời là các trung tâm tổng hợp chuyên ngành về thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hoá, giải trí, thể dục - thể thao… Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, sẽ được đầu tư xây dựng để kết nối giao thông trong tỉnh Tây Ninh, giao thương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nước bạn Campuchia và vươn xa hơn nữa đến nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar trong cộng đồng các nước ASEAN.
Những năm vừa qua, bằng sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã qua nhiều thế hệ; sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh, thị xã Tây Ninh đã có sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Diện mạo Thị xã đã có nhiều thay đổi, nhiều công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quan trọng được đầu tư, phát triển hài hoà đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh đạt thành tựu quan trọng. Nếp sống văn minh đô thị đã từng bước hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đây là những nền tảng vững chắc để Thị xã phát triển và thành lập thành phố thuộc tỉnh.
Ông Trần Hữu Hậu (phải) tặng quà cho Già làng Cao Văn Khuôn (Khedol, Thạnh Tân) nhân ngày tết cổ truyền dân tộc khmer
Việc thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh có ý nghĩa quan trọng tạo nên động lực, thời cơ mới, phát huy tiềm năng của một đô thị trung tâm tỉnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi mặt. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ Tây Ninh về xây dựng và phát triển thị xã Tây Ninh hướng đến “Xây dựng thị xã Tây Ninh phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế với việc giữ gìn và tôn tạo những vùng có ý nghĩa về mặt kiến trúc, văn hoá và bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại trong tương lai, đóng góp ngày càng lớn vào khu vực phía Nam và sự phát triển của cả nước, từng bước trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ, khoa học và giáo dục”. Qua đó, người dân sẽ được thụ hưởng phúc lợi xã hội, dịch vụ công tốt hơn, đồng thời được sinh sống, học tập và làm việc trong một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
Thành lập thành phố sẽ tạo cho thị xã Tây Ninh một tầm vóc mới và khẳng định được thành quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Tây Ninh sau nhiều năm xây dựng và phát triển; kịp thời đáp ứng theo yêu cầu phát triển chung của Thị xã, của tỉnh, khu vực và của cả nước; là bước đệm tất yếu cho việc tập trung các nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh Tây Ninh nói riêng và đô thị vệ tinh của vùng Đông Nam bộ nói chung.
- Như vậy, ngay sau khi dân Thị xã “ngủ một đêm mở mắt ra đã là dân thành phố”, Thành phố ta sẽ làm gì trước nhất, thưa ông Chủ tịch?
- Tất nhiên, trước nhất phải chuyển đổi bộ máy cho phù hợp với hoạt động quản lý đô thị của Thành phố. Nhiều chuyện phải làm gấp lắm. Chẳng hạn như việc chuyển đổi bộ máy “xã vùng ven” Ninh Sơn, Ninh Thạnh thành bộ máy “phường nội thị”; hay là một “chuyện nhỏ” thôi, như việc đổi lại tất cả các con dấu, điều chỉnh biển, bảng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… cũng hết sức gấp rút và không phải dễ dàng. Và quan trọng hơn cả là phải chuẩn bị cho nhân dân Thành phố đón Tết Giáp Ngọ thật vui tươi, hạnh phúc; cũng như phải chuẩn bị cho buổi lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ thật trang trọng, xứng đáng với lòng mong ước bấy lâu của nhiều thế hệ cư dân đô thị nói riêng, cả tỉnh nói chung.
- Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, trao đổi này, ông Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh có điều gì cần nói thêm không ạ?
- Như tôi đã nói, để có được bước phát triển có tính lịch sử của Thành phố chúng ta hôm nay, nhiều thế hệ lãnh đạo các cấp, các ngành của tỉnh, Thị xã đã dành nhiều tâm huyết, sự quan tâm cho tương lai Thành phố quê hương; ngay cả các địa phương bạn, các huyện trong tỉnh cũng đã phải “thắt lưng buộc bụng” dành phần ngân sách để đầu tư cho Thị xã trong việc tăng tốc đô thị hoá, sớm đạt các tiêu chí thành phố trong năm 2013… Vì thế tôi xin thay mặt lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Tây Ninh bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ lãnh đạo tỉnh, thị xã, các sở, ngành tỉnh, các huyện trong tỉnh; xin cảm ơn sự quan tâm, chung sức chung lòng vì tương lai, vì sự phát triển của Thành phố văn minh, thân thiện của chúng ta. Nhân dịp năm mới xin chúc quý vị dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt.
- Xin cảm ơn ông Chủ tịch đã dành thời gian trao đổi với chúng tôi, cung cấp nhiều thông tin thú vị cho bạn đọc Báo Tây Ninh.
NGUYỄN TẤN HÙNG
Nguồn: Báo Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc