Trong vụ Đông xuân năm 2013 - 2014, bà con nông dân trên địa bàn thành phố Tây Ninh đã xuống giống được khoảng 2.000 ha mì. Theo Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh, thời điểm mì phát triển từ 3 tháng trở lên như hiện nay rất dễ bị nhiễm bệnh và sâu hại, nhất là ở những vùng đất gò, khó chủ động được nước tưới, điển hình như các diện tích mì xung quanh khu vực chân núi Bà Đen. Hiện rệp sáp bột hồng đã tấn công 15 ha mì, chủ yếu ở các địa phương Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Thạnh Tân và Tân Bình.
Trước thực trạng trên, sáng ngày 12/2, Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh đã phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật Tỉnh thả 10.000 cặp ong ký sinh Anagyrus Lopezi lên các diện tích mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng nhằm hạn chế và ngăn ngừa dịch lây lan trên diện rộng. Đây là loại ong chuyên tính, có chức năng hút chít và đẻ trứng trên cơ thể rệp sáp bột hồng. Trước đó, trong tháng 12/2013 và tháng 1/2014, Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh cũng đã thả 7.000 cặp ong ký sinh Anagyrus Lopezi lên một số diện tích mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng trên địa bàn.
Ong ký sinh Anagyrus Lopezi được thả lên mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng
Hiện nay, rệp sáp bột hồng hại mì đang có chiều hướng phát triển và tấn công mạnh, do đó ở những diện tích mì bị nhiễm loại sâu hại này, ngành ngành bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng và phun thuốc đặc trị, trừ các diện tích đã thả ong ký sinh Anagyrus Lopezi. Đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh ở những diện tích mì chưa nhiễm rệp sáp để kịp thời phát hiện, xử lý.
Như vậy thống kê từ cuối năm 2012 đến nay, trạm Bảo vệ thực vật thành phố Tây Ninh đã thả 21.000 cặp ong ký sinh Anagyrus Lopezi để phòng trừ rệp sáp bột hồng hại mì trên địa bàn./.
Huy Hoàng
Ý kiến bạn đọc