Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe triển khai những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Theo đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, gồm 8 chương, 48 điều quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Trong đó, Luật khẳng định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác giúp pháp lý và phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; mở rộng diện đối tượng được giúp pháp lý; bổ sung các quy định về trình tự thực hiện giúp pháp lý;…
Quang cảnh hội nghị
Đồng thời, các đại biểu còn được phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 gồm 5 chương, 37 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Luật này quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Việc ban hành luật này nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng cường trách nhiệm của công dân; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở rộng dân chủ.
Quế Hương
Ý kiến bạn đọc