PHỐ TÂY NINH NGÀY TRƯỚC

Chủ nhật - 17/11/2013 05:15 56 0

PHỐ TÂY NINH NGÀY TRƯỚC

     Ngày trước mà tôi muốn nhắc đến là khoảng thời gian đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tức là lúc tôi còn là một cậu học trò tiểu học Tây Ninh 11-12 tuổi. Tôi được cắt rốn chôn nhau trên mảnh đất thị xã Tây Ninh này đã trên 60 năm rồi.
     Thời thơ ấu xa xưa của tôi gắn liền với khu phố Tây Ninh với dòng rạch, với ngọn núi và những con đường trong khu vực trung tâm của tỉnh vốn rất nhỏ hẹp mà hàm chứa biết bao nhiêu kỷ niệm mãi mãi vẫn in sâu vào nỗi nhớ trong tôi. Khu phố Tây Ninh ngày ấy là khu phố chính của tỉnh lỵ Tây Ninh thuộc khu vực ấp Thái Trung xã Thái Hiệp Thạnh ( một trong 12 xã thuộc quận Phú Khương). Phố Tây Ninh thường được người dân địa phương gọi là phố Gia Long vì nó nằm dọc hai bên con đường Gia Long đoạn đường từ đầu cầu Quan đến đầu đường Trương Huệ (đường Gia Long nay là đường Cách mạng Tháng Tám và đường Trương Huệ nay là đường Võ Văn Truyện). Đó là khu phô chính của tỉnh lỵ Tây Ninh.
     Trên phố này ngày nay vẫn có một đại lý bưu điện mang tên Bưu điện Gia Long! Trước khi qua cầu Quan có một con dốc cao mà ngày xưa nó là một ngọn đồi mà dân gian quen gọi là dốc tòa. Tòa ở đây không phải là tòa án mà là Tòa Tham biện tức Tòa Bố là cơ quan hành chính dưới thời Pháp thuộc, sau này dưới chính quyền Sài Gòn đổi thành tòa hành chánh tỉnh Tây Ninh tức là dinh tỉnh trưởng nay là khu vực UBND Tỉnh Tây Ninh. Cầu Quan là cây cầu bắt ngang rạch Tây Ninh qua khu phố Tây Ninh. Cầy cầu này do cơ quan AKROP của người Pháp xây dựng vào năm 1924 với chi phí là 8000 đồng do ngân sách của xã Thái Bình lúc bấy giờ cung cấp. Cầu gồm 3 nhịp rộng 4m, hai bên có lối đi dành cho người đi bộ, mỗi lối đi rộng 0.8m.
     Cây cầu này hình thành phục vụ cho mục đích chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Năm 1947 sau khi bị thảm bại trong một trận càn ở Bàu Cóp (nay thuộc xã Bàu Năng huyện Dương Minh Châu), giặc đã tàn sát dân lành hết sức dã man, chúng chặt đầu rồi cắm lên những khúc gậy tầm vông, sau đó chúng dựng ở hai bên đầu cầu Quan để trả thù!. Do đó cầu Quan còn là một chứng tích lịch sử để giáo dục cho thế hệ trẻ về tội ác của kẻ thù.


Đường phố Gia Long ngày xưa

     Phố Gia Long thời xa xưa nằm hai bên con đường Gia Long khá chật hẹp. Hầu hết phố xá hai bên đường đều thấp và hẹp, vách ván, lợp ngói âm dương. Từ năm 1960 trở đi dần dần thay đổi với những kiểu kiến trúc kiên cố hơn, hiện đai hơn. Khu phố này tập trung các dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp của đồng bào Việt lẫn người Hoa gồm các tiệm ăn lớn như Đông Đề, Quảng Hải…, các tiệm bánh kẹo Quảng Thăng Long, tiệm tạp hóa của người Ấn như Bom Bay.. ,các tiệm thuốc tây Duy Tân, tiệm thuốc bắc Sanh Sanh đường, nhà may Chí Công, tiệm điện tử Đại Thành, các nhà sách Trường Xuân,Việt Hoa, Hiệu ảnh Kim Dung, Ngọc Dung, Vạn An, tiệm uốn tóc Tân Ba Lê, Nhà in Thanh Xuân, tiệm xe đạp Liêu Văn Ân, cây xăng, khách sạn, rạp chiếu bóng…Bây giờ hình bóng của ngày xưa hầu như chỉ còn sót lại trong 2 tiệm Đại Thành và Quảng Hải cùng 2 hiệu ảnh Kim Dung và Ngọc Dung, thế nhưng về mặt hình thức thì đã hoàn toàn thay đổi. Những lúc lang thang trên vỉa hè đường phố này, tôi cứ bồi hồi nhớ lại những bước chân ngày thơ ấu của mình tung tăng với tờ báo và cuốn sách mới trong tay… Dọc theo đoạn đường Gia Long ấy thường có nhiều xe lôi máy, xe lôi đạp đậu lại đón khách. Ở con dốc đầu đường Phan Châu Trinh đi xuống là một bến xe ngựa, một loại phương tiện di chuyển thô sơ đã chở cả tuổi thơ tôi đi vào những kỷ niệm thân thương với tiếng vó ngựa lốc cốc trên mặt đường nhựa một thời bên hình ảnh của “Những người muôn năm cũ” ( Thơ Vũ Đình Liên).
     Phía sau những dãy phố cổ trên đường Gia Long là khu vực chợ Tây Ninh ( thuộc ấp Thái Trung-Thái Hiệp Thạnh nay là Khu phố 2 Phường 2 Thị xã Tây Ninh). Cách đây trên 100 năm, chợ Tây Ninh đã hình thành tại khu vực xã Hiệp Ninh (nay thuộc khu phố 3 phường 2 Thị xã Tây Ninh). Trước kia chợ lợp lá,vách gổ, đối diện với chợ là công sở xã Hiệp Ninh. Chợ này dời về khu vực mới nói trên cách đây cũng đã trên 80 năm. Nhà lồng chợ xây kiên cố, nóc hình tam giác, lợp tôn. Hai bên chợ cũng là những dãy phố cổ nằm san sát nhau. Ven bờ rạch Tây Ninh là những quán tiệm dịch vụ thương mại nhỏ nhắn, xinh xắn có hình lục giác, tiêu biểu nhất là hiệu thuốc tây Vĩnh Vạn mà đến nay nhiều người vẫn còn nhớ. Phần đất rộng phía trước chợ có tên gọi là công trường Duy Tân, kế đó là chợ cá đối diện với nhà lồng chợ. Khu chợ này là những dãy nhà trệt nối dài nằm dọc theo rạch Tây Ninh, có một phần nhà nằm trên rạch. Từ năm 1965 chợ Tây Ninh lại dời về khu vực hiện nay (KP1 Phường 2) nhưng mãi cho đến năm 1972 mới đi vào hoạt động chính thức khi công việc xây dựng đã được hoàn chỉnh. Phía sau chợ Tây Ninh là công sở xã Thái Hiệp Thạnh. Bến xe Tây Ninh nằm ở góc đường Trương Huệ (nay là Võ Văn Truyện ) và Hồ Huấn Nghiệp (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Nói đến khu vực này, không ai có thể quên được thực trạng địa lý của nó ngày xưa. Đó là một cái đầm sâu, khá rộng đầy lục bình, cỏ sậy, đầy nước đọng, muỗi , vắt quanh năm, đất lầy lội, nhơ nhớp mà dân gian thường gọi là “đất không chân” . Cho đến năm 1932 khu vực này vẫn hoang vắng vì không thể trồng trĩa và xây cất nhà cửa được.
    Sau năm 1932 đến năm 1940 trở về sau cái đầm sâu đã được lấp đi, một khu phố mới đã mọc lên bên cạnh bên xe tây Ninh là các tiệm ăn, nhà bảo sanh bác sĩ Mãnh, trường Trung học Tư thục Tiến Đức, khách sạn v.v..
     Về các phương tiện phục vụ giải trí ở cuối khu phố Gia Long có một rạp chiếu bóng mang tên Lạc Thanh do một người Hoa quản lý. Ông từng là chủ hãng xe đò nổi tiếng Tân Nguyên Thành chạy tuyến đường Tây Ninh Sài Gòn, trước đó rạp này có tên là Kassy của một ông chủ người Ấn Độ. Nhà hát nầy hình thành vào khoảng năm 1935. Ở góc đường Nguyễn Văn Buôn và Huỳnh Văn Lại trên bờ rạch Tây Ninh ( nay là Yết Kiêu và Ngô Gia Tự). Năm 1942 cũng có một nhà hát có tên Thanh Sơn mà chủ nhân là ông Năm Dõng xây cất, có biểu diễn cả cải lương lẫn chiếu phim. Những bộ phim Ấn Độ, lồng tiếng Việt rất hấp dẫn cùng những tuồng cải lương của các đoàn hát Kim Chường, Thanh Minh, Hương Mùa Thu, Kim Chung.. thời thơ ấu vẫn còn in dấu trong tôi.
    Ngày nay thì khu phố Gia Long đã thực sự lột xác, nhiều tầng lầu cao đã mọc lên, mặt đường cũng thênh thang hơn, xe cộ nhộn nhịp hơn trong cuộc sống mới. Khu chợ cũ đã biến thành công viên với một tượng đài khắc ghi tội ác của kẻ thù và tinh thần bất khuất bảo vệ quê hương của quân dân Thị xã Tây Ninh.


PHAN KỶ SỬU

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay14,266
  • Tháng hiện tại36,345
  • Tổng lượt truy cập3,532,813
Thư viện ảnh
tptn-2.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây