NÉT CHỮ NGƯỜI THẦY

Chủ nhật - 17/11/2013 03:20 283 0

NÉT CHỮ NGƯỜI THẦY

     “Nét chữ - nết người” là câu nói mà người xưa đúc kết lại để khái quát về mối liên hệ giữa nét chữ với tính cách, tâm hồn con người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người tâm huyết với sự nghiệp trồng người cũng đã từng nhắc nhở "Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nết người". Viết chữ đẹp không chỉ góp phần rèn luyện đức tính kiên trì và mài giũa tâm hồn con người mà còn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ở Thị xã, có một người thầy cũng đang lưu giữ và truyền lại cho nhiều thế hệ giáo viên, học sinh truyền thống quý báu ấy.
     Đó là thầy Trần Công Lưu, sinh năm 1969, hiện đang là Hiệu trưởng trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Thạnh Tân. Tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1992, thầy về công tác tại trường tiểu học Thạnh Tân B. Phấn đấu trong giảng dạy, thầy được tín nhiệm và giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng của trường. Năm 2008 thầy chuyển công tác sang trường tiểu học Lê Ngọc Hân và nay là Hiệu trưởng trường tiểu học La Văn Cầu. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, dù ở cương vị nào, thầy Trần Công Lưu cũng luôn là tấm gương sáng của nhiều giáo viên về đạo đức cũng như sự tài hoa trong nét chữ.
     Sở hữu nét chữ đẹp, đều, đúng quy chuẩn, năm 2003 thầy tham gia Hội thi viết chữ đẹp vòng Tỉnh và đạt giải nhất. Từ đó, nhiều năm liền thầy luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã tin tưởng, gửi gắm bồi dưỡng, rèn luyện cho đội tuyển Thị xã tham gia thi viết chữ đẹp vòng tỉnh và đã đem về cho Thị xã rất nhiều giải thưởng cao.
     Đam mê với việc rèn chữ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ nhỏ, thầy đã chăm chỉ rèn luyện chữ viết qua từng bài học ở lớp, xem đó là một sở thích cá nhân của mình. Khi đã là sinh viên, thầy vẫn dành thời gian để rèn chữ. Những lúc rãnh rỗi, thầy viết những cảm xúc riêng tư của mình vào quyển lưu bút cá nhân và vẫn giữ thói quen ấy cho đến bây giờ. Bởi theo thầy: “Nếu không thường xuyên rèn luyện thì dù trước đây có viết chữ đẹp như thế nào đi nữa cũng khó mà giữ gìn được nét chữ”.


Thầy Trần Công Lưu rèn chữ cho học sinh

    Trong giảng dạy, thầy luôn nhắc nhở học sinh của mình “Chữ càng đẹp càng ngoan, nét chữ thể hiện ý thức học tập và tính cách con người”. Đồng thời thầy cũng luôn giữ tâm niệm “Dù thời đại công nghệ thông tin có phát triển đến đâu cũng phải luôn gìn chữ viết tay truyền thống của người Việt Nam”. Theo thầy Lưu, muốn viết chữ đẹp, điều quan trọng đầu tiên, người viết phải có sự đam mê và yêu chữ. Chỉ có như vậy người viết mới đủ kiên nhẫn rèn luyện, nắn nót chữ viết của mình sao cho đều và đẹp. Thứ hai, phải hiểu quy trình và cấu tạo chữ viết như độ cao, độ dài từng con chữ; cách cầm bút, đặt bút, dừng bút, cách nối các nét chữ với nhau sao cho liền mạch, đúng mẫu quy định, để mỗi chữ viết ra đều đẹp như nhau. Và điều cuối cùng cũng không kém phần quan trọng đó là sự chăm chỉ trong rèn luyện và sự sáng tạo, cá tính của mỗi người, mang đến “cái hồn” của nét chữ, tạo sự cuốn hút, thiện cảm cho người đọc.
     Đối với thầy Trần Công Lưu ai cũng có thể viết chữ đẹp nếu chịu khó rèn luyện. Viết chữ đẹp không chủ yếu phụ thuộc vào năng khiếu hay loại bút như nhiều người quan niệm, mà đó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Nếu chữ đã đẹp mà không rèn luyện thường xuyên thì nét chữ cũng sẽ trở nên khô cứng, không còn đẹp nữa và nếu đã viết chữ đẹp thì dù là dùng loại bút nào cũng có thể viết đẹp. 

     Mong muốn truyền lại kinh nghiệm viết chữ đẹp của mình cho giáo viên, học sinh nhà trường và tạo nguồn cho đội tuyển của trường tham gia hội thi “Vở sạch chữ đẹp” và “Giao lưu Tiếng Việt của chúng em” hằng năm. Thầy chủ động tuyển chọn mỗi lớp 5 học sinh và huy động tất cả học sinh dân tộc của trường để mở lớp luyện chữ miễn phí, dạy vào mỗi chiều thứ 6 hoặc sáng thứ 7 hằng tuần. Từ lớp học, nhiều học sinh đã thể hiện năng khiếu và sự đam mê của mình với việc rèn chữ đẹp. Những em học sinh dân tộc thêm yêu Tiếng Việt hơn, các bài kiểm tra, tập, vở của các em cũng trình bày sạch đẹp hơn, khoa học hơn. 
     Bên cạnh đó thầy cũng vận động giáo viên nhà trường đến lớp của thầy để rèn chữ và áp dụng việc viết chữ đẹp vào mỗi tiết dạy. Bởi bậc tiểu học là ngưỡng cửa đầu tiên các em học sinh làm quen với chữ cái. Nhiều em học sinh chưa nắm chắc về âm vần nên khi viết còn lúng túng, một số học sinh sai tư thế ngồi viết hoặc cách cầm bút… vì vậy chữ viết thường không nắn nót, sai kích cỡ, hở nét, thừa nét…. Do đó việc rèn ý thức viết đẹp, đảm bảo tốc độ không chỉ tạo điều kiện cho các em học tốt các môn học mà còn giáo dục tính kiên trì, cẩn thận, óc thẩm mỹ và quyết định cả nét chữ sau này của các em. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế cũng như trình độ dân trí của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nên quan niệm của phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của việc rèn chữ đẹp rất hạn chế. Nhiều phụ huynh cho rằng chủ yếu con cái học giỏi, còn chữ xấu hay đẹp không quan trọng. Do đó việc tập hợp học sinh tham gia lớp rèn chữ của thầy Lưu cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù vậy thầy vẫn kiên trì động viên các em đến lớp để duy trì lớp học.


Nét chữ của thầy Trần Công Lưu  


     Trong giảng dạy, thầy tận tình hướng dẫn giáo viên, học sinh rèn từng con chữ, cách viết thế nào đúng quy chuẩn, rõ nét thanh, đậm. Đối với những nét chữ chưa đẹp, thầy không áp đặt cách viết của mình vào cách viết của người viết, mà chỉ động viên và từng bước sửa những khuyết điểm trong nét chữ để người viết tự điều chỉnh, hình thành thói quen. Có lẽ chính từ sự tận tâm và chân thành của thầy mà nhiều thế hệ giáo viên đã không phụ lòng thầy. Nhiều năm liền, đội tuyển Thị xã luôn có cá nhân đạt giải nhất và đạt giải nhất, nhì toàn đoàn, trở thành điểm sáng của toàn tỉnh trong hội thi “Vở sạch chữ đẹp”.
     Cô Nguyễn Thị Bích Loan – Giáo viên Tiếng Anh trường THCS Chu Văn An kể về thầy Lưu bằng sự kính trọng và nể phục: “Tôi là một giáo viên dạy môn Tiếng Anh, chữ viết chưa đẹp lắm, những hiểu biết về mẫu chữ cũng rất hạn chế. Nhưng khi được thầy Lưu rèn luyện, truyền đạt những kinh nghiệm trong cách cầm phấn, cầm viết, khoảng cách, độ cao từng con chữ…tôi đã tiến bộ rõ rệch và đã đạt giải nhất kỳ thi vở sạch chữ đẹp năm học 2010-2011”.
    Qua mỗi kỳ thi, sau niềm vui với những thành tích đạt được là ấn tượng trong mỗi giáo viên, học sinh về hình ảnh thầy Trần Công Lưu, gần gũi, nhiệt tình truyền lửa đam mê chữ viết cho bao thế hệ giáo viên, học sinh; đã và đang đóng góp công sức gìn giữ nét chữ viết tay truyền thống, giữ gìn tinh hoa văn hóa của dân tộc./.

Huy Hoàng

 

  Ý kiến bạn đọc

CHUYÊN ĐỀ
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay395
  • Tháng hiện tại114,467
  • Tổng lượt truy cập4,451,368
Thư viện ảnh
bung-binh.jpg tptn-2.jpg cay-co.jpg hoa-sen.jpg tpttbb.jpg 8.png 9.png 10.png vong-xoay.jpg dinh-nui-ba-den.jpg Hoa-1.jpg tptn-1.jpg hoa-tren-nui-ba-3.jpg 7.png 4-1.png 5.png 6.png 3.png 2.png 1.png
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây